Phong lan Giả hạc Xuân Di Linh. Ảnh :baolamdong.vn |
“Giả hạc xuân Di Linh” là thương hiệu riêng của giới chơi lan rừng dành cho loài lan Giả hạc xuất xứ ở cao nguyên Di Linh. Điểm đặc biệt của loài hoa này là nở hoa khoe sắc vào mùa xuân, trong khi Giả hạc nơi khác thường nở vào mùa hè. Trong khu vườn được rào chắn kỹ càng bằng khung sắt và lưới mắt cáo, anh Phạm Thế Quyền (ngụ thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) vội khoe những giò lan Giả hạc như một tài sản quý giá có khi được bán với mức hàng trăm triệu đồng/giò.
Theo anh Quyền, lan Giả hạc có hàng trăm loại khác nhau, nhưng quý nhất vẫn là loài lan đột biến về màu sắc cánh hoa. Ở Di Linh, hiện có các loại Giả hạc quý là Giả hạc trắng và tím, đặc biệt Giả hạc 5 cánh trắng Di Linh rất có giá trị và được giới sành lan tìm mua với giá vài trăm triệu đồng.
“Thông thường các loại Giả hạc quý được giới mua bán lan định giá bằng chiều dài mỗi cành, cứ 1cm vào khoảng năm, sáu trăm ngàn đồng hoặc vài triệu đồng tuỳ loại” – anh Quyền nói.
Bắt đầu chơi lan như một thú vui và đam mê từ 5 năm qua, đến khi phát hiện ở bản địa có một số loài lan quý hiếm, anh Quyền đã sưu tầm và chuyển hướng kinh doanh lan rừng. Gọi là lan rừng nhưng hầu như những cánh rừng giờ đã không còn lan quý nữa, việc nhân giống đều được các nhà vườn thực hiện tại nhà bằng phương pháp thủ công hoặc trong phòng thí nghiệm.
Anh Quyền giải thích: “Trong giới chơi lan, những giò hoa được nhân giống thủ công vẫn có giá trị hơn phương pháp công nghiệp nhưng dù là phương pháp nào cũng đem lại một nguồn thu đáng kể cho nhà vườn từ việc bán cây giống lan rừng”.
Theo tính toán của anh Quyền, với loại lan quý như Giả hạc hay giống phong lan rừng thường, người dân có thể thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ bán cây giống hoặc cây đã có hoa. Mức thu này gấp nhiều lần so với trồng cà phê, bởi mỗi sào (1.000m2) trồng lan rừng có thể cho thu nhập bằng 10ha cà phê/năm.
Bắt đầu “dấn thân” vào con đường chơi lan chuyên nghiệp, khu vườn nhỏ của anh K’Nam (tổ dân phố Ka Minh, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) cũng sưu tập được hàng chục loại lan rừng khác nhau. Tuy chưa có nhiều giống lan quý hiếm nhưng đây vừa là thú vui, vừa là nguồn thu nhập khi anh K’Nam nghỉ việc ở cơ quan nhà nước từ đầu năm nay.
Anh K’Nam chia sẻ: “Tôi mới đầu tư lắp ráp khu vườn trồng lan khá kiên cố vừa chống trộm, vừa phát triển thêm những giống lan quý. Đôi khi bán được một giò lan cũng bằng tiền lương cả năm trời khi tôi còn làm ở cơ quan cũ”.
Hiện nay, ở huyện Di Linh đã hình thành nhiều vườn lan có tiếng, không chỉ phục vụ khách chơi lan đã có hoa mà còn nhân giống, kinh doanh cây con. Qua đó góp phần bảo tồn và phát triển giống lan rừng Di Linh đang có nguy cơ biến mất ở những cánh rừng địa phương.
Anh Phạm Văn Tuấn, chủ vườn lan Minh Quang (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) cho biết, anh mới bước vào kinh doanh hoa lan từ vài năm trở lại đây. Trước kia, hầu như trong nhà anh hay những gia đình xung quanh đều có trồng vài giò lan rừng như một thú vui. Đến khi nhận biết được nhu cầu của thị trường, anh chuyển hướng kinh doanh lan rừng với 2 khu vườn ươm cung cấp giống cây con của 3 loại lan chính ở Di Linh gồm Giả hạc, Kim điệp, Long tu.
Anh Tuấn cũng là người tiên phong nhân giống bằng phương pháp gieo hạt và hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hoa Lan Di Linh. “Tuy không thể sánh bằng cây giống từ rừng nhưng cây con tạo ra bằng phương pháp nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cũng đạt chuẩn nên được thị trường chấp nhận. Đây cũng là giải pháp để bảo tồn những loại lan rừng quý hiếm của Di Linh hay một số vùng khác trước nguy cơ mai một”, anh Tuấn chia sẻ.
Nguyễn Dũng