Giao thông nông thôn "cú hích" cho các xã miền núi tỉnh Phú Yên

Đường giao thông nông thôn tại buôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN
Đường giao thông nông thôn tại buôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

Những năm gần đây, tỉnh Phú Yên đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các xã miền núi. Đặc biệt, Nghị quyết 60 NQ/HĐND ngày 16/12/2016 của tỉnh Phú Yên về ưu tiên đầu tư bê tông giao thông nông thôn các xã miền núi đã tạo “cú hích” về hạ tầng giao thông, góp phần hoàn thiện, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn các xã miền núi, phục vụ hiệu quả sản xuất nâng cao đời sống của người dân.

Giao thông nông thôn "cú hích" cho các xã miền núi tỉnh Phú Yên ảnh 1 Đường giao thông nông thôn tại buôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN

“Cú hích” làm thay đổi diện mạo

Cà Lúi là xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc huyện Sơn Hòa. Là xã thuần nông, người dân sống dựa vào cây mía, cây mì. Con đường độc đạo từ Trà Kê đi Cà Lúi dài hơn 12km đã xuống cấp nghiêm trọng, tuy nhiên do nguồn kinh phí đầu tư lớn nên nhiều năm qua vẫn chưa được đầu tư xây dựng, việc lưu thông đi lại của đồng bào các dân tộc nới đây gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2019, huyện Sơn Hòa đã quyết định đầu tư tuyến đường bê tông từ Trà Kê - Cà Lúi theo Đề án đầu tư bê tông giao thông nông thôn các xã miền núi với tổng nguồn vốn 35 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 47%, phần còn lại là vốn đối ứng của huyện. Con đường được bê tông mới hoàn thành trong năm 2020, trải dài uốn lượn qua các sườn đồi, rẫy nương xanh mướt về tận trung tâm xã đã tạo một diện mạo mới cho vùng quê nghèo.

Đưa chúng tôi đi xem con đường bê tông mới bà Trần Thị Khởi, xã Cà Lúi vui mừng chia sẻ: “Con đường này trước đây mùa nắng nóng bụi bay mù mịt, mùa mưa thì lầy lội, bùn đất nhão nhoẹt, giao thông đi lại vất vả lắm. Bà con trong xã trồng được nhiều cây mía, mì, nhưng đường giao thông xuống cấp, phương tiện đi lại khó khăn, thương lái cũng “ngại” đến thu mua, vì thế mà nông sản bà con làm ra thường bị tư thương ép giá. Có con đường mới, xe chở hàng vào được tận ruộng thu mua cho bà con, giá vận chuyển mía nguyên liệu vì thế cũng giảm xuống”.

'Bao nhiêu năm vất vả khổ cực, nằm mơ tôi cũng không nghĩ rằng quê hương mình đã được đầu tư con đường bê tông mới khang trang như hôm nay", bà Khởi nói.

Đến xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa những ngày cuối năm không khí mùa Xuân cũng đã về khắp buôn làng. Các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn trước kia xuống cấp trước đây đều đã được bê tông mới, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở, công trình, trồng hoa dọc hai bên các tuyến đường.

Ông Lê Mô Y Lộ, buôn Xây Dựng cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đầu tư cho vùng núi đồng bào dân tộc thiểu số nhiều công trình điện, trường học, nước sạch sinh hoạt. Đặc biệt, các tuyến giao thông nông thôn trước đây xuống cấp trơn trượt, bụi bặm nay đã được bê tông, các tuyến đường lên rẫy cũng được bê tông hóa, giao thương trong xã bây giờ thuận lợi lắm, bà con ai cũng mừng, người dân biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa ông Tô Phương Bắc cho biết, trong ba năm 2017-2020, Sơn Hòa đã đầu tư được 57km đường giao thông nông thôn tại các xã miền núi Sơn Hà, Sơn Nguyên, Sơn Xuân, Suối Bạc, Suối Trai, Cà Lúi với nguồn vốn hơn 66 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp 14 tỷ đồng. Đến nay, địa phương không còn đơn vị cấp xã chưa được bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Tại huyện miền núi Sông Hinh, với phương châm “lấy sức dân lo cho dân”, cả hệ thống chính trị của huyện đã đồng lòng vào cuộc thực hiện chương trình bê tông giao thông nông thôn các xã miền núi. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh ông Đinh Ngọc Dạn cho biết, ngoài đầu tư của nhà nước, huyện đã tập trung tuyên truyền giải phóng mặt bằng, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp nhân lực, vật lực thi công hoàn thành các tuyến đường.

Chỉ trong 03 năm (2017-2020), Sông Hinh cũng đã thực hiện bê tông hóa hơn 148km đường giao thông nông thôn. Thành công của Nghị quyết 60 đó là đã phát huy được nguồn lực trong dân (hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, giám sát thi công), lấy sức dân để lo cho dân.

Chương trình bê tông giao thông nông thôn đã góp phần làm thay đổi diện mạo các xã miền núi của huyện, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giao thương đi lại thuận lợi, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số các xã miền núi ngày càng no ấm hơn.

Đồng bộ hơn nữa để phát triển kinh tế

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên, mục tiêu của Nghị quyết 60 nhằm tập trung xây dựng mạng lưới đường giao thông các xã thuộc khu vực miền núi đảm bảo thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân đặc biệt là trong mùa mưa lũ, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, từng bước hiện đại hóa nông thôn khu vực miền núi.

Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên cho biết, đến nay, Phú Yên đã hoàn thiện 362/478km đường giao thông nông thôn các xã miền núi theo đề án với nguồn kinh phí hơn 300 tỷ đồng. Hiện, Phú Yên có 80/83 xã (đạt 96%) đạt tiêu chí số 2 là (giao thông) trong xây dựng xã nông thôn mới.

Trong năm 2020, mặc dù nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ để thực hiện Chương trình bê tông giao thông nông thôn các xã miền núi gặp khó khăn, tuy nhiên một số địa phương đã tự ứng trước kinh phí để tổ chức triển khai thi công, hoàn thành trên 50km đường giao thông nông thôn.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống các tuyến giao thông nông thôn các xã miền núi còn lại, đảm bảo thông suốt, góp phần phát triển các huyện miền núi,nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Theo ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, trong những năm qua Phú Yên đã có nhiều nỗ lực thực hiện chương trình giao thông nông thôn khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổ chức xây dựng nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối các xã, huyện miền núi rất quan trọng.

Quốc lộ 25,29,19C, các tuyến DT641, DT643, DT467 đã được nâng cấp, sữa chữa, hệ thống tuyến giao thông liên huyện liên xã đã và đang được đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng núi giao thương thuận lợi, trao đổi hàng hóa, nông sản nâng cao đời sống, đặc biệt trong thời điểm xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi.

Nghị quyết 60 đã tạo tiền đề, động lực phát triển các xã miền núi của tỉnh. Trong thời gian tới, thực hiện đề án, chiến lược phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vừa được Quốc hội và Chính phủ thông qua về việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông liên xã, liên huyện, hệ thống giao thông nông thôn của các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên sẽ đồng bộ hơn nữa.

Cùng với đó, tạo thuận lợi để giúp người dân nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, sản xuất, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở địa bàn miền núi của tỉnh tốt hơn, thu hẹp khoảng cách giữa các xã miền núi với các xã đồng bằng trong tỉnh.

Phạm Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm