Sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác và mang lại nguồn thu nhập tốt cho người trồng. Trong bối cảnh, thị trường tiêu thụ chính ngạch được mở rộng, tỉnh Bình Phước triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của cây sầu riêng.
Diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh hiện là 5.300 ha; trong đó, 2.434 ha là diện tích đã cho sản phẩm. Niên vụ 2023 đã thu hoạch được 14.850 tấn với năng suất 96,85 tạ/ha. Dự kiến thu hoạch của toàn vụ khoảng 23.575 tấn và tăng 108,4% so với năm 2022.
Cây sầu riêng phân bổ trên toàn tỉnh tập trung ở huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Thị xã Phước Long ... Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có 17 mã số vùng trồng sầu riêng đã được cấp với diện tích hơn 1.015 ha. Bên cạnh đó, nước nhập khẩu đã kiểm tra trực tuyến 25 vùng trồng sầu riêng với diện tích 645,9 ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân cho biết, niên vụ 2022-2023, do giá sầu riêng cao nên người nông dân tích cực chăm sóc, ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ cao để ứng dụng vào sản xuất như, diện tích áp dụng tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp phun sương, nhỏ giọt; biện pháp bón phân hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng năng lượng mặt trời đề tưới cây, máy bay không người lái phun thuốc bón phân… Thậm chí, người dân còn ứng dụng công nghệ số để ghi lại lịch sử sản xuất của từng cây trồng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, cây sầu riêng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao, thời gian, kiến thiết cơ bản dài. Diện tích trồng cây sầu riêng chưa tập trung, phân tán và chất lượng chưa đồng đều. Số lượng diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bao tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP còn thấp so với tổng diện tích toàn tỉnh.
Do đó, theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, giải pháp sẽ là thúc đẩy phát triển bền vững với việc thực hiện quy hoạch vùng trồng sầu riêng; tăng cường thiết lập và quản lý mã số vùng trồng thực chất, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của nghị định thư đã ký kết.
Người trồng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học vào sản xuất ghi nhật ký để minh bạch thông tin từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói và xuất khẩu. Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu các giải pháp để tăng chống chịu của cây sầu riêng về bất lợi của thời tiết, dịch bệnh... Xây dựng phát triển chuỗi liên kết sản xuất, lựa chọn doanh nghiệp lớn để liên kết sản xuất theo chuỗi, giá cả ổn định bền vững. Tuyên truyền cho người dân để tuân thủ quy trình đoàn kết trong trao đổi mua bán theo chuỗi giá trị, tránh bị thương lái ép giá đặc biệt khi giá xuống. Duy trì và đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu VietGAP và nâng dần tiêu chuẩn khác GAP cao hơn để cạnh tranh sản phẩm, tìm kiếm nhiều thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
Trước diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh, tỉnh Bình Phước cũng đã khuyến cáo cho bà con không nên chạy theo phong trào, không trồng tại những khu vực không đảm bảo nguồn nước, các hộ không nắm vững kỹ thuật không nên trồng...
Trong mùa vụ năm nay, giá sầu riêng cao nên xuất hiện tình trạng một số bà con nông dân, xã viên đã ký hợp đồng với các đơn vị thu mua từ đầu năm không cung cấp theo hợp đồng đã ký nên làm giảm uy tín của hợp tác xã nói chung và uy tín việc cung cấp sản lượng ổn định, cất lượng cao.
Ngoài ra, qua quá trình kiểm tra giám sát, cơ quan chức năng đã phát hiện mốt số vườn hộ gia đình không tham gia vào chuỗi khép kín đã cắt sầu riêng non chưa đến tuổi để bán ra ngoài khi giá cao. Từ đó, ngành nông nghiệp cùng cơ quan chức năng địa phương đã cảnh báo việc cắt sầu riêng chưa đến tuổi làm ảnh hưởng đến uy tín và sản phẩm sầu riêng của tỉnh.
K GỬIH