Lễ hội Nàng Hai. |
Lễ hội được sáng tạo từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động, sản xuất của người nông dân miền núi mang ý nghĩa mời Nàng Hai về ban mùa màng bội thu và hạnh phúc cho dân bản. Mặt khác, theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày, trên cung Trăng có mẹ Trăng và mười hai nàng tiên là con gái của mẹ Trăng. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo, bảo vệ mùa màng cho dân chúng ở trần gian. Hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ, các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian.
Các khúc hát lượn của Lễ hội Nàng Hai đã có từ rất lâu đời, nhưng trước đó chưa được gọi là lượn Nàng Hai mà phải đến cuối thời nhà Mạc (cuối thế kỷ XVII), công chúa Mạc Thị Tuyết Lan (Tiên Giao) - con gái cả của vua Mạc Kính Vũ, khi phải ẩn náu dưới trướng tướng Đinh Văn Tả, công chúa Tiên Giao đã khéo léo dùng lượn slương cổ của người Tày tổ chức vui chơi, giải trí giữa nhân dân địa phương với binh lính trong những đêm trăng sáng. Từ đó, những khúc hát lượn được nhân dân truyền tụng từ đời này qua đời khác và gọi là lượn Nàng Hai.
Về địa lý, lượn Nàng Hai giới thiệu nơi diễn ra lễ hội: "Bấu cạ mẻ bấu hăn/Bấu păn mẻ bấu chắc/Thôn là thôn thiên hạ/Xạ là xạ Tiên Thành/Thôn là thôn Hưng Thịnh/Tỉ là tỉ Nưa Khau/Tốc mà rằm toong cọ/Họ là họ rườn Đinh...". Tạm dịch: Không bảo mẹ không thấy/Không chia mẹ không biết/Thôn là thôn thiên hạ/Xã là xã Tiên Thành/Thôn là thôn Hưng Thịnh/Đây là nơi Nưa Khau/Rơi về lót lá cọ/Họ là họ nhà Đinh... Đọc qua những câu trên chúng ta phần nào hiểu được xuất xứ của lượn Nàng Hai gắn với dòng họ Đinh.
Về giá trị lịch sử, lượn Nàng Hai góp phần lưu giữ được tiếng Tày cổ. Tất cả các khúc hát, bài hát lượn Nàng Hai đều được dùng bằng tiếng Tày để diễn tả các cung bậc tình cảm của con người trước thiên nhiên tươi đẹp, đặc biệt là dưới ánh trăng vàng trong bối cảnh cuộc sống bình yên, làm ăn thuận lợi. Mặc dù tất cả các khúc hát trong lễ hội đều được hát bằng tiếng Tày, nhưng đôi chỗ, các tác giả dân gian phải mượn tiếng Việt mới diễn tả được, ví dụ như: "Thôn là thôn thiên hạ/Xạ là xạ Tiên Thành". Các khúc hát cho thấy rõ lượn Nàng Hai có tên gọi rõ nét nhất vào cuối thời nhà Mạc ở Cao Bằng.
Lượn Nàng Hai mang đậm giá trị nhân văn sâu sắc, nói lên ước vọng một cuộc sống bình yên, mọi người, mọi nhà đều có cơm ăn, áo mặc. Muốn vậy thì phải mời Nàng Hai xuống để giúp nhân dân trông coi sản xuất, diệt trừ sâu bọ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu: "Slinh mà dú cốc bjoóc ná nhà/Slinh mà dú cốc hoa ná mẻ/Há chúc mụ mạnh khỏe bình an/Sản xuất đáy lai mòn cúa quý/Ngần sèn mì têm quỷ, têm rườn". Tạm dịch:Sinh ra ở gốc hoa trước nhà/Sinh ra ở gốc hoa trước mẹ/Hai chúc mẹ mạnh khỏe bình an/Sản xuất được nhiều của cải quý/Tiền bạc có đầy hòm nhà. Lượn Nàng Hai còn góp phần lưu giữ tiếng Tày cổ, giúp hậu thế hiểu được giá trị đích thực của tiếng Tày. Những tiếng Tày trong lượn Nàng Hai lấp lánh đủ sức diễn tả những tâm tư, tình cảm của người dân lao động miền núi bao đời nay.
Về giá trị nghệ thuật, lượn Nàng Hai mang đậm nghệ thuật “Phuối Rọi” (nói thơ) của tộc người Tày Cao Bằng với các loại hình văn học như thất ngôn trường thiên, ngũ ngôn trường thiên, thể thơ tự do và sau mỗi câu lượn có từ “lả ới” - hư từ không mang nội dung gì nhưng rất quan trọng. “Lả ới” là chất kết dính giữa câu trên và câu dưới làm tăng thêm vẻ lung linh, huyền ảo của các nàng tiên đang múa hát dưới ánh trăng của đêm hội. Bên cạnh đó, từ láy cũng được lượn Nàng Hai lặp đi lặp lại nhiều lần. Chẳng hạn trong khúc lượn Cam (lượn đối): "Rức răng khứn thua tổng rủng rường/Rức răng khứn thua mường rủng chói/Rức răng liêp nặm nọi khứn mà/Rức răng khai ngã ba hang phố/Rức răng nủng rưa lụa chòn cừa/Rức răng là phài lừa lồng hát/Rức răng là tốp pác kin đai/Rức răng là lài vai như phít/Rức răng là đeng chít như mò/Rức răng mà cót cò bạn khóa/Rức răng dú tó ná mẻ hai/Rức răng là dặng doài roong bướng". Tạm dịch: Cái gì lên đầu đồng rực rỡ/Cái gì lên đầu bản chói lòa/Cái gì men nước cạn lên ruộng/Cái gì bán ngã ba chợ phố/Cái gì mặc áo lụa chui bụi/Cái gì như bơi thuyền xuống thác/Cái gì mà vỗ miệng ăn không/Cái gì mà chơi vơi như trượt/Cái gì mà đỏ choét như bò/Cái gì mà ôm cổ bạn thân/Cái gì ở trước mặt mẹ trăng/Cái gì mà đứng thẳng hai bên. Sự lặp đi lặp lại nhằm tăng thêm vẻ huyền bí của câu đối, làm người được đối khó mà phân biệt được sự thâm sâu của người đối.
Lượn Nàng Hai mang tính nhân văn cao cả và giá trị lịch sử sâu sắc, khẳng định sự hoàn mỹ của ngôn ngữ Tày cổ, đồng thời, góp phần làm phong phú nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo baocaobang.vn