Giá nhiều loại rau màu ở Bạc Liêu sụt giảm, nông dân gặp khó

Thời gian gần đây, tại Bạc Liêu giá nhiều loại rau màu liên tục sụt giảm, trong đó giảm mạnh nhất phải kể đến rau má, rau cần nước, cải ngọt, sà lách. Không chỉ giá cả sụt giảm mà thị trường tiêu thụ rau màu cũng gặp khó.

vna_potal_nong_dan_bac_lieu_lao_dao_vi_gia_rau_ma_giam_manh_7606513.jpg
Nhiều ruộng rau má đến thời điểm thu hoạch nhưng không thu hoạch được do không có người thu mua. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Ghi nhận tại các vùng chuyên canh rau màu của tỉnh Bạc Liêu ở các xã: Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu), xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi), Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) do ảnh hưởng của mưa bão liên tục, giá các loại màu giảm giá so với trước đó. Cụ thể giá cải ngọt chỉ còn khoảng 6.000 đồng/ký, sà lách 8.000 đồng/ký, bông hẹ 25.000 đồng/ký…

Trong số các loại rau màu, giá giảm mạnh nhất phải kể đến là rau má. Nếu như đầu tháng 7, rau má có giá từ 12.000 – 14.000 đồng/kg, thì đến thời điểm này sụt giảm chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg,

Gia đình anh Trần Quang Danh (ấp Thạnh Hưng II, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) trồng hơn 3000 m2 rau má. Bình quân mỗi đợt gia đình anh thu hoạch từ 3 - 4 tấn. Anh Quang cho biết, trước đây mỗi khi đến đợt thu hoạch bao giờ cũng có vài thương lái đến cân rau, nhưng nay liên lạc qua điện thoại các thương lái đều không bắt máy. Hơn 4 năm trồng rau má, chưa bao giờ gia đình anh Quang lại rơi vào tình cảnh thê thảm như vậy.

vna_potal_nong_dan_bac_lieu_lao_dao_vi_gia_rau_ma_giam_manh_7606512.jpg
Giá rau má sụt giảm nên không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch. Ảnh: Tuấn Kiệt - TTXVN

Anh Quang cho biết, vốn đầu tư trung bình sản xuất 1 kg rau má là 5.000 đồng. Như vậy người trồng rau khó có lợi nhuận khi giá rau ít nhất cũng phải 7.000 - 8000 đồng/kg. Giá rau má hiện đang sụt giảm còn 3000 đồng/kg, chỉ đủ chi phí thuê mướn nhân công thu hoạch rau, không đủ bù đắp chi phí phân, thuốc. Mặc dù lỗ nặng nhưng anh Quang vẫn phải thu hoạch, tiếp tục chăm sóc, cải tạo với hy vọng giá rau má sẽ tăng trong những tháng cuối năm.

Thất vọng, lo lắng cũng là tâm trạng chung của những người trồng rau má ở xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long - địa phương có diện tích trồng lớn của tỉnh Bạc Liêu. Ông Huỳnh Trung Thủ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã 8/3, xã Vĩnh Thanh cho biết, hợp tác xã đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng rau má trên diện tích 10 ha. Do giá cả sụt giảm nên các xã viên hợp tác xã lỗ nặng. Đáng buồn hơn là không chỉ bán giá thấp mà còn bị thương lái thương lái ép giá không thu mua, dù rau đạt chứng nhận sản xuất an toàn theo quy trình canh tác của ngành nông nghiệp.

Theo ông Thủ, cùng khoảng thời gian này của năm 2023, rau má gần 12.000 đồng/kg nhưng nay chỉ còn 3.000 – 4000 đồng/kg. Ông Thủ nhận định, một trong những nguyên nhân khiến cho giá rau má giảm mạnh là do nguồn cung vượt cầu, cùng với đó diễn biến bất lợi của thời tiết, nhất là bão số 3 đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển rau má xuất bán sang thị trường Trung Quốc.

vna_potal_nong_dan_bac_lieu_lao_dao_vi_gia_rau_ma_giam_manh_7606511.jpg
Nhiều nông dân tận dụng diện tích đất vườn quanh nhà để trồng rau má. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Tương tự như rau má, rau cần nước cũng giảm giá so với trước. Hiện loại rau này có giá dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg (giảm từ 2.000 – 4.000 đồng kg). Ông Đinh Hoàng Quân, nông dân trồng rau cần nước ở thị trấn Phước Long chia sẻ: Bình thường trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên với việc giá cả sụt giảm liên tục ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống sản xuất của người dân.

Theo ông Phạm Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, ngành nông nghiệp Bạc Liêu đẩy mạnh khuyến khích nông dân chuyển đổi ở những nơi trồng lúa kém hiệu quả sang trông cây khác, nhất là rau màu. Hiện diện tích trồng rau màu của Bạc Liêu đã tăng lên gần 18.000 ha.

Cùng với việc xác định rau má, rau cần nước, ngô, mướp… là những loại rau màu chủ lực, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đang nỗ lực triển khai thực hiện xây dựng vùng trồng rau màu tập trung, cấp mã vùng trồng, xây dựng sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, giá trị sản xuất.

Đặc biệt là khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng phân chuồng, thuốc vi sinh để tạo ra sản phẩm rau sạch, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo yêu cầu cho xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển nghề trồng màu bền vững./.

Tuấn Kiệt

Có thể bạn quan tâm