Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất để tăng hiệu quả trên cùng diện tích sản xuất, tỉnh Bình Thuận tích cực vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cây trồng sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây rau màu có khả năng chịu hạn. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 8.900 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác.
Việc chuyển đổi này không chỉ hạn chế phần nào tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Huyện miền núi Đức Linh là một trong những địa phương điển hình trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất theo hướng hướng phát triển mạnh các loại cây trồng vật nuôi, các ngành nghề có giá trị kinh tế cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Tại đây có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Thay vì làm 3 vụ lúa mỗi năm, năm 2020, anh Nguyễn Đình Thương, ở thôn 5, xã Vũ Hòa đã chuyển sang trồng giống khoai lang Nhật ruột vàng thay cho cây lúa vào mùa khô hạn. Sau thời gian dài trồng thử nghiệm thành công, anh Thương cùng gia đình mạnh dạn thuê đất của nông dân ở những khu vực sản xuất lúa kém hiệu quả để mở rộng sản xuất. Thấy hiệu quả kinh tế, một số hộ dân tham gia liên kết sản xuất. Đến nay, diện tích khoai lang Nhật toàn xã Vũ Hòa đạt hơn 35 ha.
Anh Nguyễn Đình Thương cho biết, khoai lang giống Nhật rất dễ trồng, dễ chăm sóc và được thị trường ưa chuộng, thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ từ 3,5 - 4 tháng. So với những loại cây trồng trước đây, nhất là cây lúa thì đến thời điểm hiện tại có thể thấy hiệu quả của loại cây trồng này cao hơn gấp nhiều lần. Với năng suất trung bình đạt 25 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 70 đến 100 triệu đồng/ha, tăng gấp nhiều lần so với cây lúa.
Theo Hội Nông dân xã Vũ Hòa, việc thực hiện mô hình trồng khoai lang Nhật phù hợp với mục đích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trên chân đất thiếu nước tưới trong tình trạng hiện nay. Đồng thời, mở hướng đi mới, giúp các hộ dân trong xã đa dạng giống cây trồng, thay đổi tập quán sản xuất từ thâm canh trồng cây lúa sang trồng xen canh 2 vụ lúa, 1 vụ khoai nhằm đảm bảo chỉ tiêu lương thực và nâng cao thu nhập cho bà con nông dân…
Hợp tác xã Rau an toàn Tiến Phát là một mô hình điển hình trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Vũ Hòa. Người đi tiên phong là chị Nguyễn Thị Hòa (thôn 3, xã Vũ Hòa). Nhận thấy trồng cây cao su vất vả vì phải đi cạo mủ vào ban đêm, gia đình chị chuyển sang trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh trong nhà màng.
Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ internet, sách báo và đúc kết kinh nghiệm từ những lần thất bại bước đầu, gia đình chị Hòa đã nắm bắt được kỹ thuật sản xuất và chăm sóc, vườn rau phát triển xanh tốt và cho thu hoạch ổn định.
Trước nhu cầu của thị trường, hiện nay gia đình chị Hòa tập trung sản xuất ổn định các loại rau cải thìa, cải xanh, xà lách, cải bó xôi, cải ngồng… Vườn rau xanh mướt được bố trí theo từng khu, từng tầng ngăn nắp, khoa học theo độ tuổi của từng loại rau.
Chị Nguyễn Thị Hòa cho biết, ban đầu gia đình chỉ trồng quy mô nhỏ 300 m2 nhưng vẫn thiếu rau cung cấp thị trường. tiếp đến mở rộng diện tích lên 600 m2 rồi 1.200 m2 nhưng vẫn thiếu rau bán ra. Từ bán lẻ loanh quanh trong xóm, sau 3 năm, những bó rau an toàn của gia đình tiến ra chợ truyền thống trong xã và trở thành đầu mối cung cấp rau tại một số chợ trung tâm của huyện Đức Linh và một số cửa hàng rau sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ có “đầu ra” ổn định, mỗi năm vườn rau cho doanh thu trên 350 triệu đồng.
“Thừa thắng xông lên”, gia đình chị Hòa chia sẻ cách làm và liên kết với những người trồng rau trong vùng thành lập Hợp tác xã rau Tiến Phát gồm 9 thành viên với diện tích canh tác gần 3.000m2. Năm 2020, sản phẩm rau của hợp tác xã được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao cấp tỉnh. Ngoài đảm bảo cung cấp đủ cho các mối tiêu thụ trong vùng, sắp tới hợp tác xã chuẩn bị ký hợp đồng tiêu thụ với một số cửa hàng rau sạch tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
“Vì được trồng trong môi trường nhà kính nên rau được cách ly với môi trường nhiễm bẩn, không bị các côn trùng phá hại, cây phát triển nhanh, đảm bảo dinh dưỡng. Giá thành bán ra cũng cao hơn so với các trồng truyền thống. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP, rau của chúng tôi không sử dụng thuốc sâu, thuốc hóa học; chất dinh dưỡng trồng rau phải được đảm bảo theo tiêu chuẩn cho phép”, một thành viên hợp tác xã chia sẻ.
Ông Trần Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hòa cho biết: thời gian qua, địa phương tập trung vào nhiều mô hình kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân như: mô hình rau sạch theo phương pháp thủy canh; trồng khoai lang Nhật… để nhằm chuyển đổi dần các diện tích sản xuất không đảm bảo năng suất, chuyển dần sang các cây trồng có hiệu quả cao hơn, thu nhập cao hơn trên cùng một diện tích đất.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân xã Vũ Hòa đang tập trung vận động người dân tận dụng khu vườn bỏ trống tạo khu vườn mẫu trồng rau kết hợp nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao thu nhập và cũng là mô hình điểm nhân rộng dần cho các hộ dân trên địa bàn. Trong thời gian tới, địa phương phối hợp với các ban ngành của huyện Đức Linh chuyển đổi nhân rộng một số mô hình sản xuất mẫu, chuyển giao khoa học kỹ thuật để người dân nắm vững quy trình sản xuất hạn chế phân bón hóa học, tăng cường phân bón hữu cơ nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như chất lượng nông sản.
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả, huyện Đức Linh đặc biệt chú trọng đến vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Điển hình như, huyện đã thực hiện liên kết trên cây lúa với sản lượng tiêu thụ khoảng 13.500 tấn mỗi năm, chiếm 10% tổng sản lượng; cây ngô liên kết 1.500 tấn mỗi năm, chiếm 12% sản lượng; cây điều liên kết hơn 1.000 tấn mỗi năm, chiếm 11% sản lượng.
Ngoài ra, huyện còn có 15 trang trại chăn nuôi liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp thông qua hình thức gia công và liên kết theo chuỗi khép kín. Sản xuất, tiêu thụ ổn định, nông dân không còn lo lắng đầu ra, thu nhập được tăng cao. Tính đến năm 2021, thu nhập bình quân của người dân trong huyện đạt 45,4 triệu đồng người/ năm, tăng gần 30 triệu đồng với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,2% so với 10 năm trước đó.
Hồng Hiếu