Gia Lai: Vận động người dân tự giác khai báo y tế khi đi về từ vùng dịch

Lực lượng dân quân tại huyện Ia Grai, Gia Lai tích cực đồng hành với lực lượng biên phòng, công an trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân vùng biên phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Lực lượng dân quân tại huyện Ia Grai, Gia Lai tích cực đồng hành với lực lượng biên phòng, công an trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân vùng biên phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Trước tình hình nhiều lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trở về địa phương, ngoài việc tăng cường triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát, tỉnh Gia Lai cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tự giác trong khai báo y tế khi đi từ vùng dịch trở về.

Gia Lai: Vận động người dân tự giác khai báo y tế khi đi về từ vùng dịch ảnh 1Lực lượng dân quân tại huyện Ia Grai, Gia Lai tích cực đồng hành với lực lượng biên phòng, công an trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân vùng biên phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai, từ ngày 8-11/7, Gia Lai có 523 người từ Thành phố Hồ Chí Minh, 122 người từ Đồng Nai, 62 người từ Bình Dương trở về địa phương. Trong đó, có 356 người cách ly tập trung, 338 người cách ly tại nhà và 17 người được theo dõi sức khỏe tại nhà.

Tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, khu vực cầu 110, huyện Chư Pưh, khu vực giáp ranh giữa Gia Lai và Đắk Lăk (đây là tuyến giao thông nối Gia Lai và các tỉnh Đông Nam Bộ), trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt người và phương tiện qua lại.

Ngày 12/7, tại chốt kiểm soát này, có 17 trường hợp đi xe máy từ Bình Dương về xã Ia Pal, huyện Chư Sê nhưng cố tình trốn chốt kiểm dịch COVID-19 tại cầu 110 (huyện Chư Pưh, Gia Lai) bằng cách đi đường vòng qua các đoạn đường rừng.

Nhận được tin báo, chính quyền địa phương đã lập tổ, chốt chặn, “đón lõng” số người trên. Đồng thời, lực lượng chức năng kết hợp với già làng, người uy tín trong thôn, làng đến tuyên truyền cho những người này thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch khi về địa phương. Ngay khi 17 người này về đến cổng làng, lực lượng chức năng đã đưa đi khai báo y tế và triển khai sàng lọc, đưa đi cách ly theo quy định.

Ngoài ra, lực lượng chức năng huyện Chư Sê cũng đã phát hiện có 21 trường hợp khác đi từ Bình Dương về. Khi nắm được số điện thoại của những người này, lực lượng chức năng đã gọi điện tuyên truyền, yêu cầu đến chốt kiểm dịch COVID-19 tại cầu 110 để khai báo y tế. Lực lượng tại chốt đã kết hợp với chính quyền địa phương đưa những người này đi cách ly y tế theo quy định.

“Tất cả những trường hợp trốn chốt kiểm dịch này đều chưa về đến nhà đã bị lực lượng chức năng giữ lại và đưa đi khai báo y tế. Sau đó, lực lượng y tế đã lấy mẫu xét nghiệm luôn trong ngày và cho đưa đi cách ly y tế”, lãnh đạo xã Ia Pal, huyện Chư Sê cho biết.

Trong chuyến kiểm tra tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, khu vực cầu 110, huyện Chư Pưh vào chiều 12/7, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, số lượng người và phương tiện qua chốt kiểm soát giáp ranh Gia Lai - Đăk Lăk rất nhiều. Vì vậy, các đơn vị chuyên môn của Gia Lai luôn cố gắng đảm bảo công tác phân luồng, sàng lọc một cách chặt chẽ, khoa học, phòng chống lây nhiễm chéo, đồng thời phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các lực lượng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Đối với các trường hợp đi về từ vùng dịch phải thực hiện khai báo y tế, cam kết khai báo y tế một cách trung thực. Đối với những trường hợp khai báo gian dối, làm lây lan dịch bệnh thì phải kiên quyết xử lý nghiêm, cần thiết thì khởi tố - bà Lịch nhấn mạnh.

Để người dân có ý thức hơn trong việc tự giác khai báo y tế khi đi từ vùng dịch trở về địa phương, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động qua các phương tiện truyền thông, loa đài. Với tỷ lệ dân số gần 50% là người dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai chú trọng việc phối hợp với già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng nhằm tuyên truyền cho người thân, gia đình của các đối tượng đi làm ăn xa, yêu cầu các đối tượng này khi trở về địa phương phải làm công tác khai báo y tế để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn.

Hồng Điệp

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm