Gia Lai thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn lây lan của sâu keo mùa thu

Gia Lai thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn lây lan của sâu keo mùa thu
Nông dân Gia Lai điêu đứng vì ngô bị sâu keo mùa thu tấn công. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Nông dân Gia Lai điêu đứng vì ngô bị sâu keo mùa thu tấn công.
Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Là địa phương có diện tích ngô bị nhiễm sâu keo mùa thu nhiều nhất tỉnh, huyện Chư Pưh có khoảng gần 1.900 ha ngô xuất hiện loại sâu hại này; trong đó diện tích bị nhiễm nặng chiếm gần 1.500 ha (tương đương 8 con sâu/m2). Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, do sâu keo phá hoại giai đoạn ngô non chủ yếu đục vào phần nõn nên đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây ngô. Trên các đồng ruộng, sâu keo mùa thu ăn và đục vào lá trên cùng, đục vào cờ của cây ngô trước khi trổ cờ ra ngoài, thậm chí vào nách lá vị trí phun râu tạo bắp non nên tỉ lệ giảm năng suất cao, thậm chí một số diện tích không có điều kiện phòng trừ đã mất trắng. Anh Siu Doang, xã Ia Le, huyện Chư Pưh cho biết, năm nào gia đình anh cũng trồng ngô vụ Mùa trên diện tích 0,6ha. Những năm trước, ngô không bị nhiễm sâu hại, anh thu về khoảng 20 triệu đồng, trừ hết chi phí anh vẫn còn 7 triệu để trang trải kinh tế. Thế nhưng, ở vụ Mùa năm 2019, sâu keo mùa thu xuất hiện khiến toàn bộ 0,6ha ngô đều bị hại khi đang bắt đầu trổ cờ, khiến anh và gia đình gặp nhiều khó khăn.
Sâu keo mùa thu bị tiêu diệt bởi các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất sinh học Emamectin benzoate, Abamectin,… như Angun 5WG, Radiant 60SC, Voliam 63SC kết hợp thuốc kiến,…. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Sâu keo mùa thu bị tiêu diệt bởi các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất sinh học Emamectin benzoate, Abamectin,… như Angun 5WG, Radiant 60SC, Voliam 63SC kết hợp thuốc kiến,…. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
“Mình cũng đã phun thuốc một lần rồi nhưng chưa hết, sau đó thì sâu non lại tiếp tục phát triển. Tiền không có nhiều nên mua thuốc phun cũng khó khăn. Năm nay bị sâu hại thế này không biết thu được bao nhiêu nhưng chắc chắn là giảm đi nhiều”, anh Siu Doang chia sẻ. Theo ông Hoàng Văn Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong phòng trừ sâu keo mùa thu. Do đây là lần đầu tiên xuất hiện, nên người dân trên địa bàn còn chủ quan, không tập trung xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, do thời điểm xuống giống vào đầu vụ khác nhau nên việc phòng chống sâu không được đồng loạt. Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 6/2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh đã chủ động phối hợp cùng các xã, thị trấn tập huấn phòng trừ sâu keo mùa thu cho hàng trăm lượt người, song việc phòng trừ sâu hại vẫn gặp nhiều khó khăn do sự tồn tại dưới nhiều hình thái của loại sâu này.
Hàng nghìn hecta ngô tại Gia Lai bị sâu keo mùa thu tấn công. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Hàng nghìn hecta ngô tại Gia Lai bị sâu keo mùa thu tấn công.
Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Vòng đời sâu keo mùa thu trải qua bốn hình thái: trứng, sâu non, nhộng và bướm. Chỉ tính riêng giai đoạn sâu non có 6 độ tuổi, song dễ tiêu diệt nhất là vào giai đoạn sâu tuổi 1 – 3, với kích thước chiều dài sâu từ 0,5 – 9 mm. Trong khi đó, nếu sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ sâu sẽ không có hiệu quả ở ba hình thái còn lại là trứng, nhộng và bướm, do thuốc không ngấm và gây ảnh hưởng đến các hình thái này. Chính vì vậy, việc xác định độ tuổi để phun thuốc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiêu diệt triệt để sâu keo mùa thu. Đa số các loại thuốc bảo vệ thực vật đều khiến sâu keo mùa thu chết, nhưng không thể triệt để bởi sâu còn tồn tại dưới các hình thái khác ngoài sâu non. Sau khi phun thuốc lần một, nếu sau 10 – 12 ngày không phun thuốc thêm lần nữa thì lứa sâu không chết sẽ tạo ra một lứa khác, gây khó khăn trong phòng trừ. Tuy nhiên, kinh tế của các gia đình trồng ngô khá khó khăn, còn chi phí phòng trừ từ 1 – 1,2 triệu đồng/ha/lần phun thuốc nên nhiều gia đình, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ không có tiền để phun thuốc dẫn đến sâu càng lây lan mạnh, ông Hoan phân tích. Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cũng nhận định, do sâu keo mùa thu là loại sâu hại có đặc tính kháng thuốc cao và lây lan nhanh, trong khi ở thời điểm mới xuất hiện trên diện tích nhỏ, chính quyền địa phương và người dân chưa thực sự tập trung, quyết liệt trong việc xử lý, dẫn đến tình trạng sâu hại lan rộng. Không chỉ vậy, việc nông dân sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để phun cũng khiến khả năng kháng thuốc của sâu tăng cao, trong khi các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa bốn hoạt chất Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacard và Lufenuron như công văn số 1066/BVTV-QLT của Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo lại khá hiếm tại Gia Lai.
Ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai tìm phương án xử lý sâu keo mùa thu. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
Ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai tìm phương án xử lý sâu keo mùa thu. Ảnh: Dư Toán – TTXVN
"Sau khi đi khảo sát thực tế và các loại thuốc mà người dân sử dụng để diệt sâu keo mùa thu, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất sinh học Emamectin benzoate, Abamectin,… như Angun 5WG, Radiant 60SC, Voliam 63SC kết hợp thuốc kiến… Các loại thuốc này đều có hiệu quả đạt từ 70 – 90%, phun khoảng 3 lần theo nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.", ông Đoàn Ngọc Có cho biết thêm. Ngoài việc phun thuốc và rắc thuốc bột, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, có một phương pháp cổ điển song khá hiệu quả đối với loài sâu keo mùa thu, đó là bẫy đèn hoặc bẫy bả pheromone giới tính để diệt sâu trưởng thành. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, một con sâu trưởng thành có thể sinh sản từ 5 – 7 ổ trứng, mỗi ổ có thể lên đến 200 quả, với tỉ lệ nở cao. Chính vì vậy, việc tiêu diệt sâu trưởng thành bằng các loại bẫy sẽ mang lại hiệu quả tích cực mà không làm ảnh hưởng đến môi trường hoặc làm mất cân bằng sinh thái trên đồng ruộng. Tuy nhiên, việc bẫy đèn cần được thực hiện đồng bộ trên các cánh đồng để tiêu diệt một cách triệt để sâu trưởng thành. Về lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai khuyến cáo nông dân cần lựa chọn kỹ lưỡng giống cho các vụ sau. Đối với các giống ngô dễ bị hại như Bioseed 9698, NK66, NK67, NK7328 và các loại ngô nếp nên hạn chế trồng, thay vào đó là các loại ngô biến đổi gen với tỉ lệ hại thấp hơn. Khi trồng, bà con cần lưu ý trồng đúng khoảng cách quy định sẽ giảm được sâu keo mùa thu và các loại sâu hại khác. Ngoài ra, bà con có thể áp dụng phương pháp trồng một diện tích nhỏ các giống ngô dễ bị hại để dẫn dụ sâu keo mùa thu và tập trung tiêu diệt, không để lây lan sẽ giảm được tình trạng sâu hại trên ngô.
Dư Toán

Có thể bạn quan tâm