Để thực hiện tốt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang, thiết bị dạy học nhằm giúp học sinh có đủ điều kiện học tập, tham gia các hoạt động trải nghiệm, tập trung phát triển năng lực của người học. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% học sinh Tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày; ít nhất 68% trường học trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia;...
Điển hình là huyện Đăk Pơ, năm 2022, địa phương đã bố trí hơn 1,6 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Cô Thái Thị Cẩm Linh, giáo viên dạy ngoại ngữ Trường Tiểu học Trần Phú, xã Tân An cho biết, giai đoạn 2014-2015, trường được đầu tư hệ thống phòng học thông minh với 21 máy tính, máy chiếu và màn hình dạy học thông minh. Nhờ có hệ thống phòng học này đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường; qua đó giúp học sinh hứng thú hơn khi tham gia vào bài giảng, giáo viên cũng truyền thụ nhiều kiến thức hơn cho học sinh.
“Được đầu tư hệ thống máy tính thông minh, tôi thấy rất thuận lợi cho việc dạy. Âm thanh, hình ảnh sống động giúp cho việc truyền tải kiến thức đến học sinh nhanh chóng và dễ dàng hơn. Hệ thống máy rất tốt, chúng tôi sử dụng hết công suất cho công tác dạy và học. Mặc dù vậy, vì hệ thống này được đầu tư từ 7 năm trước nên cũng có xảy ra một số trục trặc nhưng đã được đơn vị kỹ thuật kiểm tra, sửa chữa kịp thời” – cô Linh chia sẻ.
Trong khi hệ thống trang, thiết bị dạy học của Trường Tiểu học Trần Phú còn sử dụng khá tốt, thì hệ thống phòng học với 40 máy tính cùng màn hình, máy chiếu thông minh của Trường THCS Chu Văn An đã xuống cấp trầm trọng, chỉ còn sử dụng được khoảng 1/3 số máy tính. Để đảm bảo cho việc dạy học của nhà trường, Ban Giám hiệu nhà trường đã phải linh động sửa chữa tạm thời một số máy tính còn sử dụng được và cho học sinh học ghép 2 đến 3 em trên một máy tính.
Thầy Nguyễn Cao Trí, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, huyện Đăk Pơ cho biết, với hệ thống máy tính, màn hình xuống cấp khi chưa có kinh phí mua sắm mới, nhà trường vẫn cho sửa chữa tạm thời để phục vụ công tác dạy và học. Tuy nhiên, các màn hình, máy tính lâu đời nên rất mờ dẫn đến việc học tập của các em không được tốt lắm.
Thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Pơ, hầu hết 22 trường học các cấp trên địa bàn đều được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục. Những năm qua, các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng phòng học bộ môn và thiết bị dạy học phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên, phần lớn các trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho công tác dạy và học tại các trường học đều được đầu tư từ nhiều năm trước nên đã phát sinh hư hỏng, cùng với đó, công tác quản lý trang thiết bị ở các trường cũng còn nhiều hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Như Thủy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Pơ cho biết: Những thiết bị dạy học thông minh được cấp cho các trường học trên địa bàn cũng khá lâu rồi nên bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. Để khắc phục tình trạng này, các trường học đã mời kỹ thuật về sửa chữa cố gắng đáp ứng tối đa việc dạy và học.
“Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Giáo dục, các trường học trên địa bàn đã nỗ lực khắc phục và khai thác triệt để các trang thiết bị thông minh theo yêu cầu của ngành. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đi khảo sát nắm bắt thực trạng này và hiện tại đã có phương án đầu tư cho mỗi trường học từ 60 – 80 triệu đồng mua sắm trang thiết bị mới” – bà Thủy cho biết thêm.
Theo kế hoạch, năm 2022, huyện Đăk Pơ đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng hỗ trợ các trường học trên địa bàn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập của các trường học ngày một tốt hơn; qua đó từng bước đáp ứng nhiệm vụ đổi mới giáo dục trong tình hình mới.
Hoài Nam – Xuân Huy