Gia Lai: Ngân sách nhà nước nhìn từ nguồn thu thuế của doanh nghiệp

Gia Lai: Ngân sách nhà nước nhìn từ nguồn thu thuế của doanh nghiệp
Theo báo cáo từ Cục Thuế tỉnh, tính đến cuối tháng 7-2015, số thu từ DN nhà nước trung ương là 425 tỷ đồng (đạt 56% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 86% so cùng kỳ năm trước); DN nhà nước địa phương 31,5 tỷ đồng (đạt 61% dự toán, bằng 93% so cùng kỳ năm trước); DN có vốn đầu tư nước ngoài 9,6 tỷ đồng (đạt 192% dự toán, bằng 107% so cùng kỳ năm trước); thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện được hơn 604 tỷ đồng (đạt 66% dự toán, bằng 94% so cùng kỳ năm 2014)… Tỷ trọng thu từ DN ngoài quốc doanh chiếm phần lớn trong tổng thu trên địa bàn, mặc dù về quy mô không lớn nhưng số lượng DN có tăng qua từng năm nên đã góp phần tăng cơ cấu nguồn thu từ khu vực này.
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Gia Lai cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn cho DN nhưng đây được đánh giá là giai đoạn khởi sắc nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. DN được hấp thụ vốn vay tốt nhất, kịp thời nhất để phục vụ sản xuất kinh doanh, do đó, đã tạo được đà phục hồi và đẩy mạnh phát triển. Hoạt động của DN đạt hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp NSNN cho địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 3.000 DN đang hoạt động với đa ngành nghề, trong đó khoảng 95% là DN có quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, DN có tỷ trọng đóng góp lớn vào NSNN chủ yếu là những DN có sản lượng hàng hóa tiêu thụ và doanh thu dịch vụ phát sinh lớn, được thành lập trên cơ sở ngành nghề kinh doanh mang tính chủ đạo nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, như: thủy điện, mía đường, cao su, cà phê, mì lát, vật liệu xây dựng, gỗ…; các DN dịch vụ viễn thông, cấp nước, xây dựng, kinh doanh hàng hóa tiêu dùng, xăng dầu…

Bên cạnh hiệu quả kinh doanh mang lại, vẫn còn những vấn đề cần khắc phục, như đa số các DN có quy mô nhỏ, yếu về năng lực tài chính, thiếu lao động kỹ thuật, năng lực quản lý điều hành còn nhiều hạn chế, nên chưa có sự cạnh tranh cao và luôn bị động trước những diễn biến của thị trường; thiếu sự đầu tư về chiều sâu, thiếu sự liên kết gắn kết lợi ích trong sản xuất nên còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN vẫn còn nợ đọng thuế. Chỉ riêng trên địa bàn TP. Pleiku, tính đến ngày 1-9-2015 vẫn còn 36 DN nợ thuế lớn với số tiền hơn 174 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Bảo-Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ Người nộp thuế Cục thuế Gia Lai cho biết: Mặc dù DN vẫn còn khó khăn, nhưng khu vực DN luôn giữ được vai trò và vị trí chủ chốt, khi mà nguồn thu từ cộng đồng DN chiếm đến 70%/tổng nguồn thu NSNN trên địa bàn. Để góp phần cùng DN vượt qua khó khăn, ngành Thuế đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ DN qua việc thực hiện các chính sách thuế mới, đặc biệt các chính sách ưu đãi về thuế đã khuyến khích DN mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, đổi mới dây chuyền công nghệ và áp dụng các phương thức sản xuất kinh doanh phù hợp với những biến động của nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, giải quyết nhanh chóng các hồ sơ hoàn thuế, miễn giảm thuế, tổ chức hội nghị, đối thoại nhằm tháo gỡ vướng mắc theo từng ngành, lĩnh vực đã tạo thuận lợi nhiều cho DN. Cùng với đó, hiệu quả tích cực từ việc triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Chính phủ đã phát huy tính năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh và việc tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, góp phần làm chuyển biến tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Ngoài sự đóng góp tích cực vào GDP của tỉnh, số thu nộp NSNN của DN đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định tài chính vĩ mô, huy động nguồn lực phục vụ cho phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giải quyết các vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng công trình dân sinh... Với tiềm năng thế mạnh sẵn có, cùng với định hướng phát triển trong thời gian tới, sẽ có nhiều dự án đầu tư được hoàn thành đưa vào khai thác sẽ làm tăng thu NSNN trên địa bàn với mục tiêu tăng bình quân hàng năm khoảng 9-10%/năm, trong số đó DN vẫn là mục tiêu chiếm tỷ lệ lớn.

Có thể bạn quan tâm