Gia Lai định hướng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

Gia Lai định hướng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

Những năm gần đây, trước thực trạng các loại cây công nghiệp chủ lực một thời bị thất thế, cây ăn quả đang dần bén duyên và trở thành loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, nhất là cây sầu riêng. Thừa hưởng nhiều tiềm năng, lợi thế, tỉnh Gia Lai đang định hướng phát triển cây sầu riêng theo hướng chuyên canh sâu và mở ra cơ hội lớn xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường nước ngoài.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 29.000 ha cây ăn quả; trong đó, diện tích sầu riêng chiếm khoảng 4.000 ha. Với năng suất bình quân gần 15 tấn/ha, hiện tại sản lượng sầu riêng của Gia Lai đạt khoảng 25.000 tấn trong tổng số hơn 1.700 ha kinh doanh. Dự kiến đến năm 2025, Gia Lai sẽ nâng diện tích sầu riêng lên 5.000 ha.

Sầu riêng ở Gia Lai chủ yếu được trồng ở các địa phương như: Chư Sê, Chư Prông, Ia Grai, Chư Păh, Chư Pưh, Đăk Đoa, Đức Cơ… Hiện các địa phương này đang nỗ lực đầu tư canh tác cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hoàn thiện các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng, nhằm đáp ứng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Siu Luynh cho biết, địa phương có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu nên các loại cây ăn quả phát triển khá tốt, đặc biệt là cây sầu riêng. Đến thời điểm này, huyện đã có khoảng 300 ha sầu riêng và đang tiếp tục có chiều hướng tăng lên. Hiện huyện Đức Cơ đang gấp rút hoàn tất các thủ tục đăng ký cấp 9 mã số vùng trồng sầu riêng và trên cơ sở này, tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xin cấp mã số cơ sở đóng gói.

“Để phát triển sầu riêng theo hướng hữu cơ bền vững hướng đến mục tiêu xuất khẩu, huyện Đức Cơ đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể, khuyến khích người dân trên địa bàn tham gia nông hội, hợp tác xã để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất có giá trị. Dự kiến vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, huyện Đức Cơ sẽ có những sản phẩm đầu tiên đạt chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc theo nghị định thư đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết sau 2 năm đàm phán và chính thức có hiệu lực từ ngày 11/7/2022”, ông Siu Luynh khẳng định thêm.

Đến tham quan trang trại sầu riêng quy mô hơn 100 ha được gia đình ông Hoàng Văn Trọn ở xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ đầu tư theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Toàn bộ trang trại sầu riêng của gia đình ông được canh tác theo quy trình VietGAP kết hợp với hệ thống tưới nước tiết kiệm, phun thuốc tự động, giúp tạo ra những trái sầu riêng đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Dự kiến, vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023 sẽ có khoảng 10 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 200 tấn.

Ông Hoàng Văn Trọn chia sẻ, để sản phẩm sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay từ khâu chọn giống phải tuyển chọn rất kỹ. Trong canh tác, ứng dụng các tiến bộ khoa học theo hướng hữu cơ sinh học để cây sai trái, đạt chất lượng hơn. Nhằm thuận tiện trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng, giữa năm 2022, tôi đã thành lập Hợp tác xã Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên với năng lực thu mua hơn 2.000 tấn/năm với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Cùng với đó, đầu tư xây dựng thêm hệ thống xưởng sơ chế và kho đông lạnh bảo quản sầu riêng phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu.

Tương tự như huyện Đức Cơ, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai sở hữu diện tích sầu riêng từ 300 ha đến hơn 700 ha cũng đang tích cực rà soát lại diện tích để định hướng hỗ trợ nông dân, hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở sơ chế biến, đóng gói và bảo quản nông sản.

Theo chia sẻ của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh Nguyễn Công Sơn, huyện Chư Păh hiện có diện tích sầu riêng trên 500 ha, tuy nhiên, những diện tích này chủ yếu được người dân trồng tự phát từ nhiều năm trước và không theo quy hoạch cụ thể. Do đó, ngành nông nghiệp của địa phương đang tiến hành rà soát lại chính xác những diện tích sầu riêng đạt tiêu chuẩn, trên cơ sở đó xây dựng mã số vùng trồng cho bà con nông dân.

Ông Lê Văn Thành, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh-cho biết, hợp tác xã cùng với 200 thành viên tập trung xây dựng diện tích sầu riêng đảm bảo chất lượng, với giống sầu riêng Ri6, Dona được trồng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật tiên tiến. Hiện tại, hợp tác xã đang tập trung hoàn thiện thủ tục xin cấp 2 mã vùng trồng cho 250 ha sầu riêng và ký kết hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Group bao tiêu sản phẩm.

Hướng đến phát triển và hình thành các vùng chuyên canh sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu, tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, trong đó chú trọng xây dựng quy trình canh tác tiên tiến theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Cùng với đó, để đáp ứng tốt yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài thời gian tới, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân cần liên kết với nhau để xây dựng vùng nguyên liệu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về mã vùng trồng, mã đóng gói.

Hoài Nam - Xuân Huy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm