Gia Lai định hướng chế biến sâu cà phê trong giai đoạn hội nhập

Gia Lai định hướng chế biến sâu cà phê trong giai đoạn hội nhập
Hạt cà phê được sản xuất theo công nghệ khép kín hàng đầu châu Âu Probat ở công ty Vĩnh Hiệp (Gia Lai). Ảnh: lamantcafe.vn
Hạt cà phê được sản xuất theo công nghệ khép kín hàng đầu châu Âu Probat ở công ty Vĩnh Hiệp (Gia Lai). Ảnh: lamantcafe.vn
Để khai thác tiềm năng, lợi thế của loại cây trồng chủ lực này, tỉnh Gia Lai quan tâm, ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư các dự án chế biến sâu, tiến tới xây dựng các thương hiệu cà phê Gia Lai, góp phần gia tăng giá trị kinh tế của cà phê trên thị trường trong nước và thế giới. Thực tế đã minh chứng thông qua giá trị xuất khẩu cà phê nhân của cả nước, Việt Nam là quốc gia có sản lượng cà phê nhân xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) nhưng xét về giá trị kinh tế lại đứng thứ 3 sau Colombia, trong khi sản lượng cà phê xuất khẩu của Colombia chưa bằng một nửa Việt Nam. Nguyên nhân do yếu kém trong khâu xây dựng chuỗi giá trị, sản lượng cà phê chế biến có giá trị cao xuất khẩu quá ít so với cà phê nhân thô. Các doanh nghiệp trong nước chưa xây dựng được thương hiệu cà phê xứng tầm, uy tín toàn cầu; tổ chức quản lý, thu mua còn nhiều bất cập dẫn tới chất lượng thấp, giá thành cao, sản phẩm đơn điệu và bị chi phối bởi giá cả thị trường cà phê thế giới. Theo ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, tỉnh Gia Lai, trong số 1,6 triệu tấn cà phê thô của cả nước được xuất khẩu, cà phê rang xay chiếm chưa đến 1% nên giá trị mang lại chưa xứng tầm. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai với khoảng 100.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng cà phê nhân toàn tỉnh. Để tạo ra thương hiệu riêng trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã mạnh dạn liên kết với 10.000 hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu 10.000 ha, sản lượng khoảng 30.000 tấn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chủ động đầu tư canh tác 45 ha cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ và lắp đặt dây chuyền sản xuất cà phê chất lượng cao của Đức, tạo ra dòng sản phẩm mang thương hiệu cà phê L’amant. Thương hiệu này vinh dự được chọn phục vụ cho Hội nghị cấp cao APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam. Ông Thái Như Hiệp chia sẻ, để nâng giá trị và tạo sức cạnh tranh cho cà phê Việt Nam nói chung và Gia Lai nói riêng, cần phải xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng theo quy trình canh tác hữu cơ, từ đó tạo sản phẩm cà phê tốt nhất đủ sức cạnh tranh với cà phê rang xay trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, để các sản phẩm cà phê Việt Nam có được chỗ đứng trên thị trường quốc tế, các bộ, ngành liên quan cần phải hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp sản xuất cà phê rang xay và tiến tới thành lập Hiệp hội cà phê rang xay Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiêp, ông Hiệp đề xuất. Tây Nguyên có lợi thế là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu thuận lợi phù hợp để phát triển cây cà phê. Thực tế nhiều thập niên qua, cây cà phê đã trở thành cây trồng thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên với gần 600 nghìn ha chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước. Riêng tỉnh Gia Lai hiện có 94 nghìn ha cà phê, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên với sản lượng bình quân khoảng 200 nghìn tấn cà phê nhân mỗi năm. Tuy nhiên, sản lượng này chủ yếu được xuất thô, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 3-4%, do đó giá trị kinh tế mang lại rất thấp khiến thu nhập của người nông dân bấp bênh, thiếu ổn định. Nhà máy chế biến cà phê ACOM Gia Lai (thuộc Công ty TNHH Thương Phẩm ATLANTIC Việt Nam) là 1 trong 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Sau khi hoàn thành, Nhà máy cũng chỉ tập trung vào thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê nhân với sản lượng trung bình hàng năm 30 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 50 triệu USD. Các sản phẩm của Nhà máy được xuất khẩu đi hầu hết các thị trường trên Thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản. Ông Nguyễn Trường Hùng, Giám đốc Nhà máy chế biến cà phê ACOM Gia Lai cho biết: "Chúng tôi được tỉnh Gia Lai hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê đất trong 10 năm, các chính sách hỗ trợ về thuế doanh nghiệp… Với sự hỗ trợ đó, sản lượng hàng năm luôn đạt hơn 30 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu trên 50 triệu USD. Hiện sản phẩm chúng tôi xuất khẩu đi tất cả các thị trường, đặc biệt là châu Âu và Nhật Bản". Trước đây, chỉ có cà phê nhân xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Hàn Quốc… được hưởng mức thuế 0%, còn các sản phẩm cà phê chế biến phải chịu mức thuế cao từ 15-20%. Hiện Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do với các thị trường này, đây chính là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư cà phê chế biến đẩy mạnh xuất khẩu. Theo Tiến sỹ Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, thời gian tới, ngành sản xuất cà phê phải đi vào chiều sâu, chú trọng nâng hiệu quả, giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để đạt được các mục tiêu này, việc sản xuất cà phê ở Tây Nguyên phải thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn giống, tưới nước, dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh hại, thu hoạch, sơ chế, đa dạng hóa cây trồng trong vườn cà phê, tăng quảng bá, mời gọi đầu tư chế biến sâu cà phê nhằm mang lại một nền sản xuất cà phê đảm bảo năng suất ổn định, chất lượng cao và phát triển bên vững.
Nguyễn Hoài Nam

Có thể bạn quan tâm