Ghi đậm dấu ấn "Sắc màu Tây Bắc"

Ghi đậm dấu ấn "Sắc màu Tây Bắc"
Rộn rã bước chân du khách 

Năm 2017, Lào Cai cũng như 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã nỗ lực hết mình triển khai các sự kiện, mang lại thành công cho năm du lịch quốc gia; đồng thời nắm lấy cơ hội để quảng bá, giới thiệu những gì tinh túy, độc đáo nhất của mình tới du khách trong và ngoài nước. Kết thúc Năm Du lịch quốc gia Lào Cai - Tây Bắc 2017, tổng lượng khách du lịch đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang) đạt 24 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. 

Du khách ngẩn ngơ trước sắc vàng hoa cải cùng với sắc trắng hoa mận vùng cao nguyên Bắc Hà. Ảnh: Hương Thu - TTXVN
Du khách ngẩn ngơ trước sắc vàng hoa cải cùng với sắc trắng hoa mận vùng cao nguyên Bắc Hà. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Hình ảnh du lịch Tây Bắc và chương trình hợp tác phát triển du lịch của khu vực đã được nhiều người biết tới thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến, trang web thông tin du lịch và tham gia các hội chợ quốc tế như: Liên hoan ẩm thực Tây Bắc, Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung…Năm 2017, các tỉnh trong nhóm hợp tác đã tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn, nổi bật là những hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2017, Lào Cai - Tây Bắc như: Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 36 được tổ chức tại tỉnh Lào Cai; Ngày hội giao lưu văn hóa thể thao du lịch vùng biên giới Việt Lào tổ chức tại tỉnh Sơn La... 

Tại Lào Cai - địa phương đăng cai tổ chức lễ khai mạc và bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2017, con số trên 3,5 triệu lượt du khách (tăng 28% so với năm 2016), tổng doanh thu du lịch ước đạt 9.400 tỷ đồng (đạt 113,8% so với kế hoạch, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2016) là minh chứng sống động nhất cho thành công và sức lan tỏa của Năm Du lịch quốc gia 2017 tại Lào Cai. 

Lý giải về những con số ấn tượng trên, ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho biết, nhiều năm qua, Lào Cai luôn xác định phát triển du lịch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Bởi vậy, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho phát triển du lịch như: Nghị quyết số 39/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015… 

Lào Cai giờ đây không chỉ có Sa Pa - Khu du lịch trọng điểm quốc gia đang vươn tầm đẳng cấp quốc tế, không chỉ có cao nguyên trắng Bắc Hà và thành phố Lào Cai - những địa chỉ kết nối lý tưởng trong hành trình của du khách đến với địa phương mà Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng hay những địa bàn khó khăn như Mường Khương, Si Ma Cai cũng đang thu hút hàng vạn du khách tới tham quan, trải nghiệm. 

Giữ gìn bản sắc văn hóa Tây Bắc 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai về vấn đề quy hoạch thị trấn Sa Pa thành thị xã đã nêu rõ: Dù chọn phương án nào, trước hết, tỉnh phải bảo đảm tính nguyên vẹn, giữ gìn bản sắc văn hóa. Sa Pa phát triển không chỉ là những ngôi nhà, con đường mà còn là văn hóa địa phương. Chính vì thế chúng ta phải coi trọng giữ gìn văn hóa trong phát triển, cùng với đó phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng, vận dụng các tiêu chí mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra phù hợp đặc thù thị xã vùng cao. 
Quầy hàng bán đồ thổ cẩm tại chợ phiên Bắc Hà. Ảnh: Hương Thu - TTXVN
Quầy hàng bán đồ thổ cẩm tại chợ phiên Bắc Hà. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Như vậy, bảo tồn nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc có thể coi là chìa khóa giúp du lịch Lào Cai và toàn vùng có thể tiếp tục tăng trưởng tốt ngay cả khi kết thúc Năm Du lịch quốc gia 2017. Mục tiêu đến năm 2020, du lịch Lào Cai phấn đấu đón khoảng 4,5 triệu lượt khách, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt khoảng 18.000 tỷ đồng. 

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, bên cạnh việc triển khai thực hiện các Nghị quyết, chương trình phát triển du lịch, Lào Cai xây dựng và bắt tay vào hoàn thiện quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia Sa Pa, đô thị du lịch Sa Pa đã được Chính phủ phê duyệt và quyết định công nhận; xây dựng điểm du lịch quốc gia thành phố Lào Cai; xây dựng tổng thể cụm du lịch Bắc Hà, Bát Xát. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển các dòng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác tài nguyên tại các địa phương; khai thác di tích, di sản, danh thắng và phát triển du lịch tâm linh, du lịch chợ phiên, du lịch làng bản, cộng đồng. 

Theo ông Hà Văn Thắng, cũng giống như các tỉnh Tây Bắc, mức phát triển của du lịch Lào Cai chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế so sánh; hiệu quả kinh doanh du lịch thấp; hệ thống lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí chưa đáp ứng được nhu cầu... Đặc biệt, tại Lào Cai chỉ có 20/600 cơ sở lưu trú chất lượng cao, từ 3- 5 sao (chiếm khoảng 3%). Ngoài ra, năng lực cạnh tranh của du lịch Lào Cai vẫn thấp và chuyển biến chưa nhiều, mức tăng hạng cạnh tranh thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp du lịch của Lào Cai chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, chậm đổi mới, thích ứng với nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, 40% chưa qua đào tạo chuyên ngành; đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên điểm đến năng lực, trình độ chưa đồng đều cũng là lực cản không nhỏ trong phát triển du lịch địa phương. 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển du lịch, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện những nội dung Chiến lược, Quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Việt Nam và của tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp của Chương trình hành động số 148-CTr/TU ngày 28/7/2017 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Lào Cai tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, xác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Đồng thời, thực hiện các giải pháp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; sưu tầm, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích, danh thắng, phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Hương Thu 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm