Ghép thận tự thân bảo tồn thận cho bệnh nhân mắc bướu thận khổng lồ

Ghép thận tự thân bảo tồn thận cho bệnh nhân mắc bướu thận khổng lồ
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc D. 40 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh đến khám với triệu chứng đau bụng kéo dài trên 2 năm. Chị D. cho biết, khoảng 6 tháng nay chị thấy bụng mình ngày càng to dần lên, tức bụng, nặng nề như mang thai. Từ ngày bụng bắt đầu to lên, chị D. cảm thấy mệt mỏi, kém ăn, sụt cân.
Các bác sĩ khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ca ghép thận tự thân cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Vy – TTXVN.
Các bác sĩ khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ca ghép thận tự thân cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Vy – TTXVN.
Sau khi thăm khám, các bác sỹ phát hiện một khối u lớn chiếm hết nửa bụng bên phải của bệnh nhân. Hình ảnh từ chụp CT scan cho thấy, khối u xuất phát từ cực dưới của thận phải, có kích thước 30cm x 25cm, đi từ mặt dưới gan kéo dài đến tận bàng quang. Khối u vượt qua đường giữa bụng, chèn ép vào các mạch máu lớn trong ổ bụng và chèn ép đường tiêu hóa khiến bệnh nhân cảm thấy tức, mệt mỏi, không ăn uống được. Ngoài ra, ở quả thận bên trái cũng có một khối u có kích thước nhỏ hơn chỉ khoảng 3cm.
 
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Đức nhận định, đây là một khối u lành tính với thành phần chủ yếu là mỡ – cơ – mạch máu nhưng do kích thước quá lớn, nếu bị vỡ có thể đe dọa đến tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, các bác sỹ quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u.
 
“Khối u quá lớn, chiếm gần hết khoang bụng nên không thể phẫu thuật nội soi, chúng tôi buộc phải cắt bỏ u bằng mổ hở thông thường. Tuy nhiên, do thận trái của bệnh nhân cũng có một khối u tương tự, nếu bây giờ cắt bỏ thận phải rồi sau này cắt luôn thận trái, bệnh nhân sẽ rơi vào suy thận mạn tính và phải chạy thận nhân tạo trong khi bệnh nhân là lao động chính trong gia đình”, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Đức chia sẻ.
Bác sĩ khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật. Ảnh: Phương Vy – TTXVN.
Bác sĩ khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thăm khám cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật. Ảnh: Phương Vy – TTXVN.
Sau khi hội chẩn, các bác sỹ quyết định phẫu thuật lấy khối u bao gồm cả thận phải ra ngoài, sau đó cắt bỏ khối u nặng 4,1 kg ra khỏi thận. Quả thận sau khi làm sạch được ghép trở lại cơ thể bệnh nhân. Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Đức cho biết, do phải bảo tồn quả thận nên việc phẫu thuật phải tiến hành rất cẩn thận, tỉ mỉ và mất rất nhiều thời gian.

Sau 4 giờ vừa phẫu thuật cắt bỏ khối u vừa ghép thận, ca mổ đã thành công, bảo tồn được 80% quả thận cho bệnh nhân. Sau 7 ngày, bệnh nhân được xuất viện về nhà.
 
Theo tiến sỹ Nguyễn Hoàng Đức, ghép thận tự thân là phương pháp phẫu thuật khi thận có bệnh lý nhưng bằng mọi giá phải bảo tồn thận để đảm bảo chức năng hoạt động của cơ thể. Trong bối cảnh nguồn thận hiến tặng đang rất khan hiếm như hiện nay, đây là phương pháp được ưu tiên hàng đầu. Ưu điểm của phương pháp này là loại bỏ nguy cơ thải ghép so với ghép thận từ người cho sống hoặc người chết não./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm