Gần 2.500 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào Khmer ở Trà Vinh

Gần 2.500 tỷ đồng hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào Khmer ở Trà Vinh
Thực hiện Chương trình 135, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã đầu tư hơn 236 tỷ đồng xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 363 công trình hạ tầng; hỗ trợ hơn 7.200 lượt hộ dân tộc Khmer phát triển sản xuất. Tỉnh cũng hỗ trợ đất ở cho 2.010 hộ Khmer nghèo, cho 447 hộ vay vốn chuộc đất sản xuất, 3.348 hộ vay vốn giải quyết việc làm, với tổng số tiền hơn 101 tỷ đồng. 
Người dân Khmer ở ấp Giồng Tranh B, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh) thu hoạch bắp giống. Ảnh nhandan.com.vn
Người dân Khmer ở ấp Giồng Tranh B, xã Long Hiệp, huyện Trà Cú (Trà Vinh) thu hoạch bắp giống. Ảnh nhandan.com.vn

Từ năm 2009-2015, khoảng 20.000 hộ Khmer trong tỉnh được hỗ trợ kéo điện vào nhà từ Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh, với tổng số tiền hơn 491 tỷ đồng. Khoảng 13.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ nước sinh hoạt… 
 
Giai đoạn từ năm 2009-2012, tỉnh đã xây dựng khoảng 15.000 căn nhà cho các hộ Khmer khó khăn về nhà ở với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng, theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo các Quyết định 32/2007/QĐ-TTg và 54/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2007-2015, tỉnh đã giải ngân gần 20 tỷ cho hơn 4.000 hộ vay vốn phát triển sản xuất... 

Bên cạnh đó, đồng bào Khmer trong tỉnh còn được hưởng nhiều chính sách khác như: hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, cử tuyển, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, nhân rộng mô hình giảm nghèo, được cấp ấn phẩm - tạp chí, xây dựng nhà hỏa táng… 

Ông Kiên Ninh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có tổng dân số hơn 1 triệu người; trong đó, đồng bào Khmer chiếm 31,5%. Những năm qua, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh được thụ hưởng nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước. Cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện, hàng nghìn hộ Khmer nghèo trong tỉnh được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vốn sản xuất… Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm từng năm, từ 23,63% vào năm 2011 xuống còn 7,61% vào năm 2016; riêng vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer giảm bình quân 4%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 33,4 triệu đồng/người/năm.

Có thể bạn quan tâm