Cà chua đen đang đơm hoa kết trái trong “khu vườn lạ” của nhà nông Lê Hữu Phan |
Cây lạ trên đất quen
Trước một tháng khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI, tôi đến “khu vườn lạ” của ông Lê Hữu Phan khi mọi công đoạn chuẩn bị đón khách đã cơ bản hoàn thành. Nhìn bao quát cả khu vườn nhà kính 4.000m² phân bố những luống cây trái lạ đan xen những luống cây trái quen thuộc. Ngay bên cửa phòng hướng dẫn, một giàn mác mác từ trên mái nhà kính giăng mắc vòng quanh xuống tường nhà, trái chín vàng chen chúc với trái xanh treo lủng lẳng. Chủ nhân Lê Hữu Phan hái cho tôi một trái màu vàng to bằng quả trứng ngỗng: “Giống mác mác vùng Nam Mỹ đó. Gieo 2 hạt giống cách đây một năm, giờ đã thành 2 gốc cây dây leo tỏa tán lá trong diện tích hơn 100m² trên giàn. Mác mác được chăm bón chung trong một luống đất trồng các loại rau luân canh. Tham khảo ở nhiều thị trường nước ngoài, giá mác mác vàng cao hơn giá mác mác thông thường hơn 10%, năng suất cũng cao hơn khoảng 20%...”. Anh Phan còn bảo tôi cứ cầm trái mác mác vàng về nhà để ngoài tủ lạnh vài ngày sau sẽ chín mềm, tỏa ra mùi thơm dịu khi cắt đôi lấy nước uống.
Vào bên gốc cây mác mác vàng, anh Phan nhổ lên “một đôi” củ su hào tím và giới thiệu: “Su hào tím vẫn còn mới lạ với thị trường Việt Nam, có vị giòn hơn so với su hào xanh. Nhiều tài liệu ghi chất dinh dưỡng của su hào tím có các tác dụng thông bụng, giải độc, tiêu viêm...”. Tôi ngồi xuống quan sát thấy hình dáng của cây su hào tím thật độc đáo với phiến lá hình mo cau màu xanh nhạt, nhưng gắn liền với cuống lá, gân lá và củ lộ thiên trên mặt đất đều biêng biếc một màu tím. Ở vị trí này, tôi được tiếp xúc gần hơn những làn hương thơm ngát tỏa ra từ luống củ hồi nằm cách luống su hào tím vài bước chân. Anh Phan dẫn tôi hòa mình giữa luống củ hồi: “Nhìn qua nhánh lá rất giống cây thì là, nhưng đây là cây củ hồi, nguồn gốc ở vùng Địa Trung Hải. Củ hồi cũng là một loại rau dược liệu với những chức năng như: giảm viêm, ngăn ngừa tổn thương gan, loại khỏi độc chất gây ung thư ruột già...”. Đất tơi xốp, nên anh Phan chỉ cầm một nhánh cây nhỏ nhấc nhẹ, kết quả đã thu hoạch một củ hồi rời khỏi mặt đất với màu trắng có vân xanh, kích thước như chiếc chén ăm cơm. Bóc tách ra một lớp củ hồi trắng, chia phần nửa đưa tôi cùng ăn tươi sống trên vườn, anh Phan nhận định: “Rất ít người Đà Lạt biết được loại rau củ hồi giòn thơm ở đây. Bên cạnh dùng làm rau tươi sống, củ hồi có thể chế biến trong các món hầm xương, trộn gỏi, nước sốt...”.
Hai nhà trong một
Festival Hoa Đà Lạt lần thứ V, nhà nông Lê Hữu Phan tham gia triển lãm 30 trái bí khổng lồ, trong đó có trái nặng hơn 80kg, thu hút đông đảo lượt khách đến xem mỗi ngày. Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI năm 2015, anh Phan cũng dành 100m² trồng và cho thụ phấn 10 trái bí khổng lồ, chiếm số lượng một nửa màu nâu đỏ và một nửa màu trắng xanh. Đến thời điểm đầu tháng 12/2015, mỗi trái bí nâu đỏ và trắng xanh nặng từ 40 - 50kg, anh Phan đang nuôi dưỡng với tỷ lệ cân đối lượng nước, phân, thuốc sinh học tự phối trộn, dự kiến sẽ tiếp tục tăng trọng lượng mỗi trái lên 80kg trong vòng một tháng tới khi diễn ra các hoạt động Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI. Bên luống bí khổng lồ năm nay, nhà nông kiêm “nhà hướng dẫn du lịch vườn” Lê Hữu Phan còn trồng thử nghiệm thành công 2 giống cà chua đen và đỏ quý hiếm, tạo sự đa dạng của các loại rau, củ, quả lạ cho khách muôn phương khám phá. “Du khách tham quan khu vườn của gia đình chúng tôi được chọn hái, thưởng thức từng quả cà chua đen hoặc đỏ; nếu mua về làm quà thì được bán với giá mỗi ký từ 40 - 50.000 đồng, một mức giá khá phổ thông đối với khách du lịch nội địa...” - chủ nhân Lê Hữu Phan nói.
Để có “khu vườn lạ” như ngày nay, nhà nông Lê Hữu Phan đã bỏ nhiều công sức và vốn liếng mua nguồn giống từ nước ngoài đưa về nghiên cứu trồng thử nghiệm một thời gian, sau đó đúc kết quy trình hiệu quả nhất để sản xuất đại trà. Dẫu là những sản phẩm gần như độc quyền, nhưng anh Phan chỉ đưa ra giá bán hợp với túi tiền cho mọi tầng lớp người tiêu dùng, nên mỗi hécta nhà kính sản xuất đạt lợi nhuận ngang bằng với sản xuất các loại “rau GAP” phổ biến khác. Mục tiêu lớn hơn nữa của nhà nông Lê Hữu Phan là góp phần cung cấp giống mới đặc hữu cho nông dân Đà Lạt tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm với nhiều lợi thế so sánh mới trên thị trường cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Báo Lâm Đồng