Dược liệu làm giàu cho người Tam Đảo

Dược liệu làm giàu cho người Tam Đảo

Gia đình anh Lý Văn Thủy, dân tộc Sán Dìu, ở xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đang sửa sang nhà cửa, xây phòng khám mới. Phòng khám được mở rộng, có thêm một số giường nằm cho bệnh nhân. Từ ngày được Hội Nông dân xã hướng dẫn chuyển đổi từ cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, kinh tế gia đình anh khá hơn nhiều:

-Từ khi chuyển sang trồng cây dược liệu thì không năm nào thu dưới 100 triệu cả. Trước đây, trồng cây lương thực chỉ đủ ăn, hoặc có dư chút ít thôi.

anh Lý Văn Thuỷ tại phòng khám gia đình.jpg

Anh Thủy trong vườn thuốc nam của gia đình

Anh Thuỷ vay ngân hàng hơn 170 triệu đồng để cải tạo đất đai, đào giếng, mua giống về trồng. Ban đầu chỉ có hơn trăm mét vuông, đến nay gia đình anh đã phát triển được hơn 3 ha cây dược liệu với hơn 300 loại giống cây thuốc. Sắp tới, gia đình anh sẽ mở rộng diện tích. Anh tính:

- Vay ngân hàng ngày trước lãi cao, nhưng bây giờ tạm chịu được. Trước đây tôi vay 170 triệu, lúc đầu khó khăn cũng nợ lâu lâu đấy, tôi mới trả hết năm ngoái. Khó khăn về vốn, về nguồn nước trồng cây thuốc nên tôi phải đào ao tích nước để tưới. Nói chung có điều kiện thì dùng nhà lưới, còn gia đình tôi thì tự ươm nên chắc là chất lượng kém hơn những gia đình dùng nhà lưới. Sắp tới đây gia đình tôi mở rộng diện tích, nếu như được sự hỗ trợ của Nhà nước tôi có một hệ thống ươm giống này, hệ thống tưới tiêu để trồng thuận lợi thì rất cám ơn đấy.

anh Lý Văn Thuỷ xã Đạo Trù huyện Tam Đảo tỉnh vĩnh phúc.jpg

Phòng khám bệnh của anh Thủy trữ nhiều loại thuốc gia đình tự trồng

Đến nay, diện tích trồng cây dược liệu của huyện Tam Đảo đã lên đến vài trăm héc ta. Nhiều gia đình không những sử dụng quỹ đất của gia đình còn mua thêm hay mở rộng ở các tỉnh lân cận. Tiêu biểu là gia đình lương y Phó Hữu Đức, người Sán Dìu, ở xã Minh Quang, đã mua thêm hàng trăm héc ta ở Quảng Ninh để trồng cây dược liệu. Ông Đức tính toán: Nếu có những hỗ trợ kịp thời cho người nông dân trong việc chuyển đổi từ cây lương thực kém hiệu quả sang trồng dược liệu thì chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn rất nhiều lần.

Gia đình lương y Phó Hữu Đức đã tạo việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương. Người trông nom vườn thuốc được trả khoảng 2 triệu /tháng, được chăn nuôi thêm. Lao động thời vụ được nhận công tối thiểu 150 nghìn/ngày.

 

Vì Bệnh viện Y học cổ truyền đã đến tận nơi thu mua dược liệu, đặt hàng với số lượng lớn, nên gia đình anh Lý Văn Thủy và một số hộ khác đang có ý định mở rộng diện tích. Với nỗ lực tìm đầu ra cho cây dược liệu, ông Đàm Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạo Trù, cho biết:   

- Chúng tôi đã thành lập tổ liên kết trồng cây cây thuốc nam. Có rất nhiều hộ mở rộng diện tích, một mặt bảo tồn giá trị của cây thuốc nam, thứ hai là trực tiếp bốc thuốc, bắt mạch, khám chữa bệnh tại gia cho bà con trong tỉnh hay một số tỉnh ngoài. 

Đời sống của nhiều gia đình Sán Dìu ở Tam Đảo đang được cải thiện, nhờ chuyển sang trồng cây dược liệu, dựa vào thế mạnh đặc thù của vùng này.

Theo VOV4

Có thể bạn quan tâm