Tuy mới triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhưng Ninh Bình đã có 12 sản phẩm OCOP được công nhận và dự kiến năm nay sẽ có thêm trên 10 sản phẩm. Trước sự cạnh tranh khốc liệt về thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP, Ninh Bình sẽ hướng tới phát triển các sản phẩm này gắn với các địa điểm du lịch nổi tiếng của địa phương để sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng và nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường.
Ninh Bình được biết đến là một địa phương với nhiều làng nghề, nghề truyền thống được công nhận với các sản phẩm độc đáo, đa dạng. Nhiều sản phẩm của Ninh Bình đã có thương hiệu riêng như: thịt dê, mắm tép, ngao Kim Sơn… mang đậm yếu tố truyền thống.
Ngoài ra, thiên nhiên ưu đãi cho tỉnh này tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: dứa, chanh leo, rau quả tươi, hoa và cây cảnh.... Đây là những thuận lợi cho Ninh Bình có thể phát triển hiệu quả Chương trình OCOP.
Thực hiện Chương trình OCOP, giai đoạn 2018 - 2019, Ninh Bình đã tập trung hỗ trợ, phát triển hoàn thiện và chuẩn hóa 12 sản phẩm của 9 chủ thể. Tỉnh đã công nhận 10 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 2 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP được công nhận xếp hạng 4 sao như: mô hình du lịch cộng đồng Quèn Thờ (Hợp tác xã nông sản và du lịch Tam Điệp), cơm cháy Phương Linh (Doanh nghiệp tư nhân thực phẩm Linh Phương); thủ công mỹ nghệ từ cói (Công ty TNHH Xuất khẩu và Đầu tư Thành Hóa), cơm cháy Cố Đô (Công ty cổ phần sinh hóa Ninh Bình)…
Là một trong những đơn vị sở hữu sản phẩm OCOP 4 sao, ông Lê Hữu Hảo, chủ Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm Linh Hương chia sẻ, khi tỉnh có chủ trương làm sản phẩm OCOP, doanh nghiệp tiên phong tham gia. Bởi, ông nhận thấy đây là hướng rất tốt, sẽ tạo điều kiện doanh nghiệp hoàn thiện về cơ sở vật chất, quy trình sản xuất và đảm bảo an toàn thực phẩm để mục tiêu là sản phẩm địa phương nhưng hướng tới toàn cầu.
Chính vì thế sau khi làm sản phẩm OCOP, ông Lê Hữu Hảo tự nhận thấy sản phẩm của mình đã có sự khác biệt, đó là vừa ngon, vừa tiện dụng cho khách hàng. Chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo an toàn, nhờ chất lượng nguyên liệu gạo cao hơn, quy trình sản xuất hoàn chỉnh, gia vị cũng phải được chọn lựa từ nguồn đảm bảo an toàn… Chẳng hạn nguyên liệu gạo nếp cái Hoa Vàng được ông đặt hàng vùng nguyên liệu Kim Sơn, ớt làm gia vị được đặt mua ở Mường Khương…
Ra đời năm 2017, Hợp tác Sản xuất và Tiêu thụ Dược liệu Yên Sơn với sản phẩm chủ lực ngoài bột nghệ chế biến trong thực phẩm, hợp tác xã đã tìm ra phương pháp sản xuất thành công tinh bột nghệ nguyên chất như tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đỏ, tinh bột nghệ đen với hàm lượng cucumin cao, có hiệu quả trong y học.
Ông Lê Ngọc Trinh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ Dược liệu Yên Sơn cho biết, ngoài sở hữu nguồn nguyên liệu tự có của hợp tác xã, hợp tác xã còn liên kết với khoảng 60 hộ gia đình, thu nhập mỗi hộ từ 240 - 300 triệu đồng/ha. Những hộ dân liên kết, được hợp tác xã cung cấp giống sẽ được đảm bảo về tiêu thụ sản phẩm cho họ. Sản lượng củ nghệ thu hoạch khoảng 80 tấn/năm, năng suất sản phẩm tinh bột nghệ đạt từ 9 - 16 tấn/năm. Thương hiệu Tinh bột nghệ Yên Sơn đã và đang từng ngày ghi dấu ấn với người tiêu dùng trên cả nước.
Nhận thấy loài trà hoa vàng đã được ghi danh là sản phẩm đặc hữu, quý hiếm ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, ông Vũ Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia đã quyết định đến vùng đất Nho Quan đầu tư phát triển loại dược liệu này. Khu bảo tồn, nhân giống và phát triển trà hoa vàng rộng gần 30 ha của công ty đã hình thành tại xã Gia Lâm, huyện Nho Quan, nằm trong thung lũng được bao quanh bởi núi Cổ Ngựa, tạo thành một vườn trồng khép kín. Nhờ địa thế đặc biệt này, hệ thống thực vật được bảo tồn nguyên vẹn, không bị tác động bởi bên ngoài.
Công ty cũng đang phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện đề tài khoa học nhằm bảo tồn và hoàn thiện quy trình nhân giống. Giúp nông dân tăng thu nhập cũng như tạo nguồn nguyên liệu ổn định, công ty phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa giống trà này cho người dân trồng khu vực Nho Quan và Tam Điệp với mục tiêu lên tới 100 ha trong 5 năm tới.
Ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia chia sẻ, hiện giá thu mua đối với hoa tươi từ 800.000 - 1.000.000 đồng/kg, lá cây trà hoa vàng phơi khô từ 300.000 - 500.000 đồng/kg. Công ty đã nhập thiết bị chế biến sấy hiện đại trong nhóm các nước G7 để tạo ra sản phẩm trà hoa vàng với cấu trúc và màu sắc như sản phẩm tươi. Sản phẩm này đang được tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị trong nước, với giá bán bình quân 17 triệu đồng/kg hoa khô.
Đặc biệt, từ năm 2019, công ty đã xuất khẩu trà hoa vàng sang châu Âu. Tuy nhiên, với mong muốn để người tiêu dùng trong nước biết đến nhiều hơn sản phẩm dược liệu chất lượng cao này, cũng như tôn vinh sản phẩm đặc sản của huyện miền núi Nho Quan, công ty đã đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP năm 2020.
Những sản phẩm OCOP của Ninh Bình mới được chứng nhận gần đây nên việc đánh giá hiệu quả của những sản phẩm gắn với thương hiệu OCOP vẫn đầy đủ. Ông Lê Hữu Hảo cho rằng, thời gian qua, đại dịch COVID-19 xảy ra nên sẽ không đánh giá khách quan được giá trị lợi ích mà các sản phẩm OCOP mang lại. Nhưng thời gian tới, sản phẩm OCOP sẽ nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường khi đã đi vào lòng người tiêu dùng. Các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP phải có quyết tâm cao, đam mê và phải xác định làm tốt cả về chất lượng, mẫu mã sản phẩm để có chỗ đứng trên thị trường.
Khi Ninh Bình đang từng bước phát triển trở thành trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế thăm quan, ông Hảo kỳ vọng, tỉnh Ninh Bình sẽ tạo điều kiện cho đơn vị đưa sản phẩm OCOP vào các điểm du lịch của tỉnh như chùa Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc – Bích Động… Đây là điểm du lịch nổi tiếng không chỉ của tỉnh mà của cả nước nên cần phát triển gắn liền với quảng bá các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Các doanh nghiệp được lựa chọn vào đây sẽ phải cam kết chỉ bán các sản phẩm OCOP.
Ninh Bình đã tiến hành khảo sát 24 sản phẩm đăng ký trên địa bàn và đang tập trung hỗ trợ, hoàn thiện, phát triển khoảng 12 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên, để tiến tới cấp chứng nhận trong năm 2020.
Tuy các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Bình có nhiều tiềm năng nhưng chưa được quan tâm, phát triển đúng mức. Bởi, quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư; hệ thống mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, bao bì chưa đổi mới. Các sản phẩm đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ còn ít. Cùng với đó là các mặt hàng luôn đứng trước sức ép cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Trước thực tại trên, ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, tỉnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, đó là các sản phẩm du lịch trải nghiệm, sản phẩm nông nghiệp phục vụ du lịch liên kết với các tour du lịch để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp. Ninh Bình mỗi năm thu hút từ 7-8 triệu lượt khách du lịch, nhưng quà để cho du khách mua hay những sản phẩm đặc sắc phục vụ du khách lưu trú vẫn chưa nhiều. Đây chính là dư địa để Ninh Bình đưa các sản phẩm OCOP đến với khách hàng.
Bích Hồng