Ảnh minh họa |
Đây là hội thảo du lịch mang tầm quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Bình Thuận từ trước đến nay, mở ra cơ hội phát triển du lịch vùng Duyên hải miền Trung, du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tham gia có hơn 500 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, cơ quan du lịch Lào và Campuchia; đại diện Đại sứ quán của gần 20 quốc gia tại Việt Nam; lãnh đạo thành phố Hà Nội cùng 17 tỉnh, thành thuộc các vùng Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ, Tây Nguyên; lãnh đạo 4 tỉnh Nam Lào (Attapeu, Saravane, Sekong, Champasack) và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia (Mondulkira, Rattanakiri, Krachie, Stung Treng); các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế; các chuyên gia về du lịch tại các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước cùng các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, nhiều hoạt động sôi nổi được tổ chức, tiêu biểu là triển lãm du lịch quốc tế khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia mang chủ đề “3 nước 1 điểm đến”. Được sự quan tâm và nhất trí của lãnh đạo tỉnh Gia Lai, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai tham gia tại hội thảo. Tại gian hàng của tỉnh Gia Lai được trang trí bắt mắt với thiết kế có chủ đề “Gia Lai tiềm năng và phát triển” bên cạnh đó trưng bày rất nhiều sản phẩm đặc trưng như: tiêu, măng, chè, cà phê cùng nhiều ấn phẩm như các tập tin về xúc tiến du lịch, tập gấp các dự án đầu tư, đĩa DVD “Gia Lai hồn thiêng đại ngàn”. Về nhạc cụ dân tộc gồm bộ chiêng bằng đồng, đàn T’rưng và trang phục truyền thống của dân tộc Bahnar và Jrai. Cùng với đó là các chương trình tour của các công ty du lịch trong tỉnh như: Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai CTC, Công ty Du lịch Sinh thái cũng tham dự để liên kết phát triển vùng. Ngoài ra cũng có một số khách sạn, nhà hàng, như Sesan, Hoàng Vũ… mang brochures để quảng cáo. Tỉnh Gia Lai tham gia với tinh thần học hỏi và tìm hiểu các tỉnh bạn về phát triển du lịch về liên kết vùng-miền, về đất nước con người. So với các tỉnh như: Huế, Phú Yên, Bình Định, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Kon Tum… thì Gia Lai được đánh giá là một trong những gian hàng có sự đầu tư chu đáo và có nét đặc trưng riêng.
Về vấn đề phát triển các sản phẩm và loại hình du lịch gắn kết giữa vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thì Tây Nguyên đang có thuận lợi về vị trí địa lý, tiềm năng du lịch hết sức phong phú. Để khai thác hết thế mạnh này, các địa phương trong vùng cần kết nối các chuỗi giá trị để tạo thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn theo từng nhóm loại hình cung cấp cho du khách. Liên kết phát triển du lịch phải xuất phát từ sự liên kết phát triển các sản phẩm du lịch. Mỗi vùng đều có yếu tố đặc thù để tạo cơ sở xây dựng liên kết du lịch. Hiện tại, các tỉnh trong vùng Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đang có lợi thế xây dựng sản phẩm liên kết theo 4 định dạng du lịch như: biển, văn hóa, sinh thái và đô thị. Các địa phương cần so sánh lợi thế liên kết giữa các vùng để xây dựng tour, tuyến hấp dẫn, độc đáo-theo lời dẫn của ông Hà Văn Siêu-Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch.