Vùng trồng dược liệu tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông cũng là điểm đến tham quan của du khách. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Chỉ mới cho thu hoạch được hai mùa nhưng vườn cam 2 ha của gia đình anh Nguyễn Hồng Sáng, thôn Tân Lập, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, đã nức tiếng thơm ngon. Sản phẩm cam của gia đình được đưa đi tiêu thụ ngoài tỉnh, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Với vị ngọt, thanh, mọng nước, quả to tròn đều, vườn cam của gia đình anh Sáng trở thành điểm đến của rất nhiều đoàn khách mỗi khi đến huyện Con Cuông. Anh Sáng cho biết, 1000 gốc cam đã mang lại thu nhập cho gia đình anh hơn 600 triệu đồng/vụ.
Mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với chuỗi sản xuất các sản phẩm từ trái cam tại bản Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, do JICA Nhật Bản hỗ trợ xây dựng từ năm 2016 là một minh chứng rõ nét cho việc quy hoạch không gian hình thức du lịch mới này. Theo dự án, ngoài xây dựng mô hình cam sinh thái, các nhóm hộ tham gia sẽ được hỗ trợ sản xuất các sản phẩm từ trái cam như: Tinh dầu cam, rượu men cam, mứt cam, xà bông cam… góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương.
Sản phẩm nông nghiệp được bày bán phục vụ cho du khách tại huyện Con Cuông. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
“Cái lợi lớn nhất khi tham gia dự án này là nông dân tận dụng được hết giá trị của quả cam, không vứt bỏ một thứ gì. Người nông dân tự tạo công ăn việc làm cho mình và những người thân trong gia đình. Sản phẩm mà chúng tôi làm ra đều là sản phẩm sạch đã được đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi mở rộng diện tích trồng cam từ 20ha lên 150 ha, tiến tới thành lập Hợp tác xã xây dựng thương hiệu cam Con Cuông”, ông Tăng Ngọc Sơn ở bản Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, cho biết.
Cũng tại huyện Con Cuông, Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát đã biến những khu đất hoang thành vùng cây dược liệu có giá trị, chất lượng cao theo mô hình khép kín và áp dụng công nghệ cao. Sở hữu vùng trồng dược liệu rộng hơn 7 ha tại xã Chi Khê, với đa dạng các loại cây dược liệu quý như: Dây thìa canh, cà gai leo, giảo cổ lam, đinh lăng, mướp đắng rừng..., mô hình trồng cây dược liệu đã mang lại hiệu quả “không ngờ” cho vùng đất núi nơi đây. Sản phẩm được thực hiện trên dây chuyền hiện đại bằng máy tự động, với quy trình khép kín từ nhân giống, thu hoạch, chế biến và đóng gói cung ứng ra thị trường. Sản phẩm có đầy đủ thông tin mã vạch truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Anh Trần Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Con Cuông cho biết: Sắp tới, huyện Con Cuông sẽ xây dựng trung tâm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp Con Cuông gắn liền với các tour du lịch để mỗi lần du khách đến không chỉ ăn, nghỉ dưỡng tại các bản du lịch cộng đồng mà còn được thưởng thức sản phẩm đặc sắc của địa phương.
Từ trái cam, người dân xã Yên Khê, huyện Con Cuông đã sản xuất các sản phẩm như tinh dầu cam, rượu men cam, mứt cam, xà bông cam…góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch của địa phương. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Ngoài huyện Con Cuông, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng chú trọng phát triển mô hình du lịch canh nông như: Trang trại rau sạch và cánh đồng hoa hướng dương, cánh đồng tam giác mạch của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn. Mô hình này đã thu hút khách du lịch từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và cả du khách nước ngoài.
Đảo chè Thanh Chương cũng là một mô hình du lịch canh nông hiệu quả trong những năm gần đây. Hiện xã Thanh An có hơn 200 hộ trồng chè với trên 400 ha. Trước đây, nông dân ở đây trồng chè quanh khu vực hồ nước chỉ thu hoạch búp tươi với năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha. Nhưng 4 năm trở lại đây, bên cạnh nguồn thu từ sản phẩm chè, nông dân còn có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch khi rất nhiều du khách tìm đến tham quan đảo chè. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư, hùn vốn mở bến, mua thuyền phục vụ khách du lịch tham quan đảo chè với mức giá bình quân 30 nghìn đồng/lượt khách, chưa kể các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, sản phẩm bột sắn dây, tinh bột nghệ, hồng Nam Anh, tương Nam Đàn cũng là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng mà tỉnh Nghệ An đã và đang hướng đến để phát triển du lịch canh nông.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc phát triển loại hình du lịch này ở Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Hạ tầng giao thông ở nhiều địa phương còn bất cập. Nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo ít, chưa đáp ứng được nhu cầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nhu cầu của khách du lịch. Cơ sở vật chất tại các mô hình sản xuất nông nghiệp chưa đầy đủ và chưa chuẩn hóa để phục vụ du lịch; khu trưng bày sản phẩm, để xe, khu vực tiếp đón, nhà vệ sinh chưa đáp ứng chuẩn theo yêu cầu… Các hoạt động trải nghiệm, thuyết minh tại các điểm tham quan còn nhiều hạn chế.
Du khách thích thú khi tham quan và thưởng thức vườn cam tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
“Sở Du lịch tỉnh Nghệ An hỗ trợ xây dựng mô hình và hướng dẫn cách bố trí tham quan, đón tiếp, đưa khách đến tham quan trải nghiệm tại các mô hình. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả, đơn vị sẽ tập trung xây dựng chương trình phát triển du lịch canh nông. Cùng đó, đơn vị mời chuyên gia tư vấn, học tập mô hình, từ đó nâng cao kỹ năng cho các địa phương và hộ nông dân làm du lịch”, ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết: Huyện chú trọng nâng cao ý thức và cách chỉ đạo điều hành của cán bộ từ huyện xuống cơ sở, đến tận người dân, bởi chính họ là người xây dựng và giữ gìn thương hiệu, giữ cách làm sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị kinh tế cao để quảng bá đến mỗi du khách một cách hiệu quả nhất.
Phát triển du lịch canh nông không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh sản phẩm nông nghiệp Nghệ An đến du khách. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thay thế dần những vườn tạp thành vườn cây đặc sản đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách.
Bích Huệ
TTXVN