Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia đã mang đến bước đột phá trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Liệu pháp xạ trị Lutetium-177 PSMA-617 (còn gọi là LuPSMA) vốn được sử dụng hiệu quả cho bệnh nhân giai đoạn cuối, nay đã chứng minh được khả năng cải thiện đáng kể kết quả điều trị cho những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu.
LuPSMA hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư tuyến tiền liệt, phóng ra bức xạ để tiêu diệt chúng. Phương pháp này đã được chứng minh là hiệu quả trong việc kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn tiến triển, sau khi đã áp dụng các phương pháp khác không có hiệu quả.
Theo nghiên cứu do Trung tâm Ung thư Peter MacCallum hàng đầu thế giới thực hiện và công bố ngày 15/9, hơn 100 bệnh nhân tại 11 bệnh viện ở Melbourne đã tham gia thử nghiệm và được phân ngẫu nhiên thành hai nhóm, trong đó nhóm 1 chỉ dùng hóa trị truyền thống và nhóm 2 được điều trị bằng hóa trị kết hợp LuPSMA. Kết quả cho thấy sau 48 tuần điều trị, 41% số bệnh nhân trong nhóm 2 có mức kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) - một dấu hiệu sinh học quan trọng cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt - giảm xuống ngưỡng không thể phát hiện được, trong khi con số này ở nhóm 1 là 16%.
Bác sĩ chuyên khoa ung thư Arun Azad, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ đây là một kết quả rất hứa hẹn, cho thấy việc kết hợp liệu pháp LuPSMA với phương pháp hóa trị truyền thống đã giúp bệnh được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để đưa phương pháp này vào ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng, bác sĩ Azad cho rằng cần có thêm các nghiên cứu quy mô lớn hơn. May mắn thay, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đang được triển khai trên toàn cầu.
Đây là nghiên cứu đầu tiên thử nghiệm phương pháp điều trị LuPSMA trên những bệnh nhân mới được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt. Công trình này do Liên minh Nghiên cứu ung thư tuyến tiền liệt, một sự hợp tác giữa Quỹ nghiên cứu y khoa tương lai của Chính phủ Australia và tổ chức từ thiện Movember, tài trợ.
Anh Dũng