Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe nam giới. Việc phát hiện sớm căn bệnh này là chìa khóa quan trọng để tăng tỷ lệ sống sót. Tuy nhiên, các phương pháp chẩn đoán hiện tại như sinh thiết thường xâm lấn và gây đau đớn cho bệnh nhân. Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Aston (Anh) đã mang đến một tia hy vọng mới khi công bố một phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt với độ chính xác lên đến 90% chỉ bằng mẫu máu khô.
Theo phóng viên TTXVN tại Vương quốc Anh, các nhà khoa học tại Đại học Aston ở Birmingham đã phân tích 108 mẫu máu khô từ những người tình nguyện khỏe mạnh và những người mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật được gọi là tái tạo hình ảnh dựa trên phân cực mới để tìm hiểu cách thức cấu trúc protein trong các mẫu máu thay đổi hình dạng 3D và kết hợp với nhau trong giai đoạn đầu của bệnh và tiến hành phân tích từng lớp chi tiết các vết máu khô. Các nhà nghiên cứu khẳng định bước này rất quan trọng để xác định sự khác biệt đáng kể giữa các mẫu khỏe mạnh và mẫu ung thư.
Giáo sư Igor Meglinski, thuộc Viện Công nghệ Photonic Aston của Đại học Aston, cho biết toàn bộ quá trình, bao gồm cả thời gian sấy khô mẫu máu, chỉ mất 15 phút. Phát hiện này có tỷ lệ chính xác 90% trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu, cao hơn nhiều so với các phương pháp sàng lọc hiện có và có tiềm năng to lớn trong việc cách mạng hóa chẩn đoán ung thư.
Theo ông Meglinski, ung thư tuyến tiền liệt chiếm gần 10% số ca tử vong do ung thư ở nam giới và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn 1 hoặc 2, 90% bệnh nhân có thể sống thêm được 15 năm trở lên. Do đó, phương pháp xét nghiệm này với khả năng phát hiện sớm hơn và chính xác hơn có khả năng sẽ cải thiện đáng kể kết quả và tỷ lệ sống sót cho nhiều bệnh nhân.
Giáo sư Meglinski đánh giá nghiên cứu này thực sự là bước đột phá, mở ra những con đường mới cho việc chẩn đoán và điều trị ung thư, đồng thời là bước tiến đáng kể trong y học cá nhân hóa và ung thư học.
Phương pháp xét nghiệm mới được cho là ít rủi ro hơn so với phương pháp sinh thiết xâm lấn khi được thực hiện với mẫu máu. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, xét nghiệm này chỉ được thực hiện trên một số lượng mẫu tương đối nhỏ nên sẽ cần thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng ở quy mô lớn hơn để xác nhận hiệu quả.
Hữu Tiến