Đồng Tháp: Hiệu quả từ mô hình liên kết tiêu thụ lúa Hè Thu

Thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 ở huyện Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN
Thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 ở huyện Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN

Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân tiêu thụ lúa 11.000 ha lúa Hè Thu năm 2021. Kết quả liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất truyền thống.

Đồng Tháp: Hiệu quả từ mô hình liên kết tiêu thụ lúa Hè Thu ảnh 1Thu hoạch lúa Hè Thu năm 2021 ở huyện Thanh Bình. Ảnh: Nguyễn Văn Trí – TTXVN

Phương thức liên kết chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, đồng thời có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quản lý sâu bệnh hại trong suốt vụ mùa. Đến cuối vụ thu hoạch, doanh nghiệp đến thu mua lúa theo giá thị trường hoặc cao hơn từ 100-200 đồng/kg. Ngoài ra, còn có các phương thức liên kết khác như: đầu tư vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa; đầu tư giống, tạm ứng vốn và tiêu thụ lúa; không đầu tư, chỉ tiêu thụ lúa...

Điển hình là mô hình liên kết sản xuất lúa ở huyện Tháp Mười. Năm vừa qua huyện đã liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng nghìn ha lúa giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân. Các hình thức liên kết là doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ; đầu tư giống và tiêu thụ; không đầu tư chỉ tiêu thụ; liên kết sản xuất giống…

Việc nông dân tham gia các mô hình đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất. Nhờ thay đổi phương thức sản xuất đã giúp giảm giá thành sản phẩm đồng thời tăng thu nhập qua việc doanh nghiệp thu mua lúa cao hơn ngoài mô hình 200 đồng/kg. Ngoài việc liên kết tiêu thụ lúa hàng hóa, nhiều nông dân còn liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa giống, hoặc lúa nếp. Bình quân giá lúa giống được thu mua cao hơn so với giá lúa thường từ 500-800 đồng/kg.

Để thu hoạch vụ lúa Hè Thu thắng lợi, tỉnh Đồng Tháp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thương lái trong thu mua, tiêu thụ, đặc biệt là thực hiện mô hình liên kết. Đường dây nóng của Tổ công tác do Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phụ trách sẵn sàng tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản tại các địa phương.

Tỉnh cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn, trực tiếp thăm đồng để nắm tình hình sản xuất, thu hoạch, thống kê sản lượng nông sản để hỗ trợ kết nối tiêu thụ. Các trường hợp khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển tiêu thụ cũng được báo cáo để có hướng dẫn kịp thời hạn chế tình trạng ùn ứ nông sản đang vào thu hoạch rộ.

Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, vừa qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin kết nối, tiêu thụ nông sản của Sở đã nhận hàng chục cuộc gọi chủ yếu phản ánh khó khăn trong vận chuyển tiêu thụ nông sản; một số ý kiến phản ánh máy gặt đập liên hợp, nhân công bốc vác lúa không thể đi làm do không qua được các chốt kiểm dịch. Các kiến nghị đã được Sở tổng hợp, hướng dẫn theo thẩm quyền, đồng thời chuyển thông tin đến đường dây nóng các huyện để người dân biết, liên hệ xử lý kịp thời, đảm bảo chuỗi sản xuất và cung ứng không bị gián đoạn, đứt gãy.

Đặc biệt, riêng tại huyện Tháp Mười đã phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho người dân. Hợp tác xã và tổ hợp tác đứng ra làm đầu mối ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp. Dự kiến trong tháng 8 này tổng diện tích lúa liên kết thu hoạch hơn 4.000 ha, sản lượng hơn 24.000 tấn. Các Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Lúa Gạo Việt Nam, Công ty ADC... sẽ thu mua lượng lúa này.

Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười cho biết, hợp tác xã liên kết tiêu thụ lúa ngay từ đầu vụ với hai công ty là Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Gạo Việt Nam và Công ty cổ phần Giống cây trồng Cửu Long. Theo đó, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Gạo Việt Nam đã ký hợp đồng cung cấp giống với diện tích 51,5 ha, ứng trước chi phí sản xuất cho nông dân 4 triệu đồng/ha và tiêu thụ lúa giống với giá thị trường cộng thêm 900 đồng/kg. Công ty cổ phần Giống cây trồng Cửu Long ký hợp đồng cung cấp giống với diện tích 7 ha, tiêu thụ sản phẩm lúa giống với giá thị trường cộng thêm 1.000 đồng/kg.

Từ mô hình liên kết sản xuất lúa, nông dân Đồng Tháp đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, tạo điều kiện chuyển dịch lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp và điều quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao. Về hiệu quả, việc áp dụng công nghệ cao và thực hiện cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất từ 600 - 1.500 đồng/kg. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp nhưng nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa vẫn tiêu thụ lúa với giá ổn định, tránh đứt gãy trong khâu tiêu thụ.

Nguyễn Văn Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm