Bà con nông dân xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh chăm sóc lúa Đông Xuân. Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững. Trên cây lúa, các công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ theo mô hình sản xuất quy mô lớn; tăng cường hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Nội dung liên kết chủ yếu là cung ứng vật tư phục vụ cho sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hoá giữa các hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp; liên kết tạo vùng nguyên liệu tập trung để cung ứng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất. Điển hình về mô hình liên kết sản xuất lúa năm 2018 là huyện Tháp Mười, với tổng diện tích liên kết sản xuất là tiêu thụ lúa giữa các công ty, doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ Hợp tác và nông dân hơn 10 nghìn ha. Phương thức liên kết giữa công ty, doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã là doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ. Cùng đó, đầu tư giống và tiêu thụ; không đầu tư chỉ tiêu thụ; đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng không thu mua; liên kết sản xuất giống. Việc tham gia thực hiện các mô hình như trên đã làm thay đổi tập quán sản xuất truyền thống của người dân, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất, giảm giá thành và tăng thu nhập. Năm vừa qua Công ty Lương thực Đồng Tháp đã ký hợp đồng liên kết với diện tích 6.909ha, thu mua được 29.635 tấn lúa tươi với doanh số mua đạt trên 150 tỷ đồng. Thông qua mô hình liên kết, công ty đã có vùng nguyên liệu ổn định. Cùng với cơ sở vật chất hiện có, công ty đã xây dựng thành công 3 loại gạo thơm an toàn mang nhãn hiệu Sếu Đỏ, Hương Tràm và Ramsa. Công ty từng bước củng cố nhãn hiệu và nhân rộng quy mô sản xuất; đồng thời, xúc tiến giới thiệu gạo chất lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU và các nước phát triển khác. Ở huyện Thanh Bình có Công ty TNHH Phương Minh là một trong những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn. Anh Lê Phương Tân, Giám đốc Công ty TNHH Phương Minh cho biết, để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từ năm 2017 đến nay, được hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, công ty đã ký hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết được 120ha với 3 hợp tác xã và 30 hộ nông dân ở các xã Tân Long, Tân Bình và xã Tân Quới. Từ khi tham gia liên kết với Công ty TNHH Phương Minh, bà con nông dân nhận được nhiều lợi ích. Công ty ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với giá tăng từ 150 - 200 đồng/kg so với ruộng lúa bên ngoài mô hình; nông dân được công ty đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tư vấn kỹ thuật trong quá trình sản xuất và chi phí này được khấu trừ khi tiến hành thu mua lúa. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ mô hình liên kết sản xuất lúa, nông dân đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, tạo điều kiện chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp. Quan trọng nhất là nông dân bước đầu ý thức chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi luá gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng cao. Qua đó, theo mô hình liên kết các địa phương đã tổ chức lại sản xuất theo quy trình an toàn (tiêu chuẩn GAP), ứng dụng công nghệ cao và thực hiện cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, từ đó đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất khoảng 600 đồng - 1.500 đồng/kg. Tỉnh từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh kết nối hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân, bảo đảm chất lượng nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguyễn Văn Trí