Đồng Nai: Nhiều lợi ích trong liên kết sản xuất nông nghiệp

Đồng Nai: Nhiều lợi ích trong liên kết sản xuất nông nghiệp

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai triển khai mô hình liên kết theo chuỗi giá trị. Thực tế cho thấy, việc liên kết mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, doanh nghiệp và nhà nước, giúp hình thành nền sản xuất lớn, đạt tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, để liên kết thực sự thành hướng đi bền vững của nền nông nghiệp thì các bên trong chuỗi cũng cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của mình.

Đồng Nai: Nhiều lợi ích trong liên kết sản xuất nông nghiệp ảnh 1Anh San Thượng Minh (xã Phú Lợi, huyện Định Quán, Đồng Nai) thu hoạch ca cao. Ảnh: Công Phong – TTXVN

Ông Trần Quang Hiệp, xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai có hơn 20 năm trồng sầu riêng. Trước đây, ông Hiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, tiêu thụ loại trái cây này. Nguyên nhân do canh tác đơn lẻ, lạm dụng phân hóa học nên cây nhanh bị suy kiệt. Đến kỳ thu hoạch thì phụ thuộc vào thương lái, giá bán bấp bênh. Thời điểm đầu mùa, thương lái tranh mua, trả giá cao nhưng chỉ cắt trái đẹp, cuối mùa thương lái không vào vườn thu mua.

Năm 2020, với sự hỗ trợ của nhà nước, ông Hiệp cùng người dân trong vùng thành lập Tổ hợp tác sầu riêng xã Xuân Quế với 50 thành viên, diện tích hơn 60 ha. Từ đây, các thành viên trong tổ hợp tác được chuyển giao kỹ thuật về nông nghiệp, hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, quy trình sản xuất an toàn; người dân chuyển qua sản xuất sầu riêng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn sạch; đồng thời ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

Ông Trần Quang Hiệp chia sẻ, Tổ hợp tác sầu riêng xã Xuân Quế ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Toàn Thắng (huyện Cẩm Mỹ), doanh nghiệp bao tiêu cả vườn, thu mua toàn bộ trái với giá hợp lý. Đây là cái lợi rất lớn, giúp người dân tiêu thụ hết lượng trái trong vườn. Khi thành lập tổ hợp tác, người dân được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng do nhà nước tổ chức. Nhờ chăm sóc đúng cách, sử dụng phân hữu cơ nên cây sầu riêng bền, chống chịu sâu bệnh tốt hơn, chất lượng quả được đảm bảo.

Trước đây, Đồng Nai là vùng trồng ca cao lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vì giá bấp bênh nên cách đây hơn 10 năm người dân trong tỉnh ồ ạt chặt bỏ loại cây này. Sau đó, ngành chức năng Đồng Nai đề ra chủ trương liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn trên cây ca cao. Từ đây, cây ca cao phục hồi mạnh mẽ, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được cánh đồng lớn trên cây ca cao với diện tích hơn 800 ha. Năm 2023, ca cao của người dân được doanh nghiệp thu mua với giá gần 6.000 đồng/kg, cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. Trung bình mỗi ha ca cao người trồng thu lãi trên 150 triệu đồng/năm.

Anh San Thượng Minh, xã Phú Lợi, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, ca cao là loại cây dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp nhưng nếu phụ thuộc vào thương lái thì người dân luôn bị ép giá. Khi liên kết, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ trái ca cao cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường; đưa ra các quy định đối với việc chăm sóc, thu hoạch ca cao. Điều này giúp nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng trái luôn đảm bảo.

Những năm qua, nhờ liên kết với nông dân 6 huyện của Đồng Nai và 2 huyện thuộc tỉnh Bình Thuận (thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã) mà Công ty Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) có được nguồn nguyên liệu ổn định; kiểm soát được chất lượng ca cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Do liên kết mang lại hiệu quả nên doanh nghiệp đang lên phương án hợp tác với người dân khu vực Tây Nguyên và Duyên Hải Miền Trung để mở rộng vùng nguyên liệu.

Ông Đường Dĩ Tấn, phụ trách thu mua Công ty Ca cao Trọng Đức cho biết, để tăng sự ràng buộc trong liên kết, công ty ký hợp đồng với từng hộ với những điều khoản chặt chẽ. Công ty cam kết đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia liên kết; mong muốn người dân nâng cao trách nhiệm, giữ chữ tín.

Đồng Nai: Nhiều lợi ích trong liên kết sản xuất nông nghiệp ảnh 2Vườn ca cao giống của Công ty ca cao Trọng Đức, huyện Định Quán (Đồng Nai). Ảnh: Công Phong - TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, những năm qua, Đồng Nai dành sự quan tâm rất lớn cho mô hình hợp tác, liên kết trong nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của trên 160 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 15.000 nông hộ. Việc liên kết tạo thuận lợi cho nhà nước trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật, triển khai các chính sách hỗ trợ. Việc này cũng giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, đồng thời tạo tiền đề hình thành nền sản xuất lớn.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đánh giá, liên kết mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên, ở Đồng Nai vẫn còn một số mô hình liên kết lỏng lẻo, người dân vì lợi ích trước mắt mà tự phá vỡ hợp đồng, không thực hiện đúng cam kết. Ngoài ra, một số hợp tác xã trên địa bàn chưa làm tốt công tác tổ chức sản xuất. Ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ liên kết mang lại nhiều lợi ích, là hướng đi chủ đạo trong nông nghiệp; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp qua kinh tế nông nghiệp. Từ đó tạo được giá trị gia tăng cũng như đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tạo thuận lợi trong trao đổi hàng hóa; gắn liên kết sản xuất với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời rà soát lại những cơ chế, chính sách còn bất cập, đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm mở rộng thêm các chuỗi liên kết ngày một bền vững.

Công Phong

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm