Cánh đồng mía lớn là một trong những chương trình mà tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh nhằm hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương trên địa bàn. Nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, liên kết sản xuất, mà người dân tộc thiểu số đã có thu nhập cao hơn để ổn định cuộc sống. Cánh đồng mía lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, nơi từng là vùng đất khô khát, nông dân chỉ quanh quẩn với cây lúa, cấy bắp hiệu quả kinh tế thấp. Ngày nay, nhìn từ trên cao, một màu xanh bạt ngàn của cây mía đã trải rộng trên khắp cánh đồng, thay đổi hoàn toàn diện mạo của vùng đất này. Đây là kết quả của việc người thiểu số Ba Na nơi đây tham gia cánh đồng mía lớn, thông qua sự hỗ trợ cải tạo đất, cung cấp mía giống, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm của Nhà máy đường An Khê.
Anh Đinh Hyon, một nông dân ở làng Bờ cho biết, gia đình anh trồng 3 ha mía. Năm nay mía được mùa, chắc sẽ thu được trên 200 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng. Từ khi tham gia cánh đồng lớn, được nhà máy hỗ trợ nên vừa nhàn công lại có lợi nhuận cao hơn trước.
Câu chuyện về người thiểu số Ba Na ở làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng làm cánh đồng mía lớn bắt đầu từ năm 2017. Thời điểm đó, bà con vẫn còn khá e dè và chỉ có 20 hộ tham gia mô hình này. Về sau, hiệu quả của cánh đồng mía lớn đã được chứng thực, thì số thành viên tham gia theo đó cũng tăng lên gấp 4 lần, với diện tích liên kết lên đến 150 ha.
Ông Đinh Văn Thinh, trưởng nhóm Cánh đồng mía lớn làng Bờ chia sẻ, thời điểm mình tham gia làm cánh đồng mía lớn, bà con chưa tham gia đông như hôm nay do lo sợ về kỹ thuật, giá bán thấp. Sau khi bà con tận mắt chứng kiến các hộ tiên phong có thu nhập ổn định từ mô hình này nên đã quyết tâm chuyển đổi.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, cánh đồng mía lớn là một trong những chương trình mà nhà máy tập trung đẩy mạnh. Để làm được điều đó, ngoài chính sách đầu tư không tính lãi suất ra, hàng năm nhà máy còn nghiên cứu tiếp tục giảm chi phí cho từng khâu từ cày bừa, trồng đến thu hoạch cho người trồng mía, đảm bảo giúp họ an tâm tham gia vào cánh đồng lớn mang lại hiệu quả cao nhất.
Cây mía được trồng trên cánh đồng lớn, nông dân được Nhà máy Đường An Khê hỗ trợ cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch nên năng suất tăng lên rõ rệt. Mỗi ha mía ở cánh đồng lớn đều cho năng suất cao hơn trồng thường từ 10-20 tấn mía cây.
Thống kê của Nhà máy Đường An Khê, vùng nguyên liệu mía Đông Trường Sơn của tỉnh Gia Lai hiện đã có trên 100 cánh đồng lớn với hơn 3.000 ha. Trong các nhóm liên kết này, có rất đông thành viên là các hộ đồng bào thiểu số Ba Na tại chỗ (thuộc 4 huyện trọng điểm mía An Khê, Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro) cùng tham gia. Đây là sự chuyển biến tích cực trong tư duy và thực tiễn sản xuất của đồng bào thiểu số, góp phần nâng cao đời sống, xoá đói giảm nghèo.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết, chỉ tính riêng huyện Kbang, hiện đã có trên 10.000 ha mía được trồng trải rộng ở 7 xã trọng điểm mang lại nguồn lợi kinh tế ổn định cho người dân của địa phương. Đặc biệt, người dân đã thay đổi rất nhiều trong tư duy, nhận thức sản xuất. Từ lao động, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trước đây, giờ bà con đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp lớn.
Huyện đang tiếp tục tăng cường vận động bà con tham gia mô hình cánh đồng lớn để phát huy hiệu quả việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với cơ giới hóa giúp nâng cao năng suất lao động. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào Ba Na trên địa bàn.
Cánh đồng mía lớn trải qua thời gian đã khẳng định được tính tích cực, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người trồng mía và nhà máy đường. Mô hình này cũng minh chứng cho hướng đi đúng, hiệu quả trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa người nông dân và doanh nghiệp. Qua đó, hình thành nên một mô hình nông nghiệp bền vững gắn với ổn định thu nhập cho người nông dân, đặc biệt là đồng bào thiểu số nghèo.
Hoài Nam – Xuân Huy