Đồng bào Khmer Kiên Giang vươn lên từ các chính sách dân tộc

Đồng bào Khmer Kiên Giang vươn lên từ các chính sách dân tộc

Tỉnh Kiên Giang có hơn 13% dân số là người Khmer (đứng thứ ba trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau Sóc Trăng và Trà Vinh) với trên 56.000 hộ, khoảng 237.000 nhân khẩu. Các chương trình, dự án chính sách dân tộc, chính sách đặc thù dành cho đồng bào Khmer của Trung ương và của tỉnh Kiên Giang đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer trên địa bàn.

Đồng bào Khmer Kiên Giang vươn lên từ các chính sách dân tộc ảnh 1Nông dân huyện Gò Quao (Kiên Giang) thu hoạch lúa Hè Thu. Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN

Bà Thạch Thị Nhung (xã Minh Hòa, huyện Châu Thành) chia sẻ, hai người con của bà đã có việc làm ổn định, cuộc sống gia đình không còn khó khăn như nhiều năm trước. Theo bà Nhung, trước đây gia đình bà thuộc hộ nghèo và hai người con của bà lần lượt vào học Đại học và Cao đẳng, gia đình được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay ưu đãi cho đối tượng sinh viên là người dân tộc thiểu số.

"Nếu Nhà nước không có chính sách cho vay ưu đãi, hai con của tôi không thể đi học Đại học, Cao đẳng và rất dễ thất nghiệp. Tổng số tiền gia đình vay cho hai cháu đi học hơn 120 triệu đồng. Đến nay, các con đi làm đã trả gần xong tiền lãi và gốc. Tôi luôn nhắn nhủ các con phải cố gắng làm việc thật tốt, phục vụ cơ quan, đơn vị để làm tròn trách nhiệm người cán bộ, viên chức, đồng thời cũng là sự đền ơn Đảng, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi cho mình", bà Nhung bày tỏ.

Từng là hộ nghèo nhiều năm liền của phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, gia đình ông Danh Bái đã thoát nghèo trong năm 2022. Ông Bái cho biết, vợ chồng ông trước đây làm lao động tự do, thu nhập bấp bênh và cái nghèo cứ mãi đeo bám.

Đến năm 2020 - 2021, gia đình ông được Hội Nông dân phường hỗ trợ một con bò nuôi lấy sữa và vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay, gia đình ông cải tạo vườn tạp trồng rau màu và nuôi cá rô.

"Gia đình tôi chăm chỉ cắt cỏ cho bò ăn lấy sữa bán, chăm sóc các luống rẫy để có thu nhập thường xuyên để mua cá giống, thức ăn cho cá ăn. Nhờ kết hợp lấy ngắn nuôi dài, các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, các cho được ăn học đàng hoàng", ông Danh Bái chia sẻ.

Bà Trần Thị Thảo (xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành) cho biết, căn nhà gia đình đang ở được hỗ trợ từ Chương trình ổn định dân cư biên giới Việt Nam - Campuchia. Trước khi có được căn nhà này, vợ chồng và các con phải sống trong căn nhà gỗ siêu vẹo, nguy hiểm luôn trực chờ. Bà Thảo chia sẻ: "Vợ chồng tôi sống bằng nghề làm thuê, ai thuê gì làm nấy, luôn thiếu trước hụt sau, bao nhiêu năm tích góp vẫn không thể cất nổi nhà mới. Gần đây, gia đình được Bộ đội Biên phòng tặng nhà ở và hỗ trợ học bổng 1,1 triệu đồng/tháng cho con trai tôi được đến trường. Gia đình tôi rất biết ơn và sẽ cố gắng vươn lên trong cuộc sống".

Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Sơn Hải là một trong những ngôi trường được xây dựng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ở huyện Kiên Lương. Ông Lâm Văn Dũng, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trước khi được đầu tư xây mới, trường xuống cấp, ẩm thấp, sân trường thường bị ngập nước, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Sơn Hải Lâm Văn Dũng, xã Sơn Hải có đông đồng bào Khmer. Tỷ lệ học sinh người Khmer của trường chiếm hơn 30%. Năm học 2023 - 2024, học sinh và giáo viên của trường hết sức phấn khởi khi được dạy và học trong ngôi trường khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị.

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, để đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân đầu người ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh, Kiên Giang đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 (gần 100 triệu đồng/người/năm); hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 1,5 - 2%. Tỉnh phấn đấu 50% số xã, ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông.

Ông Phúc cho hay, trong thời gian tới, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và gắn với kiểm tra, theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện để có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế thiếu sót. Tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Ban Dân tộc Kiên Giang, đến nay, tỉnh có 101/116 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 33 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc Khmer. 100% xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường giao thông nông thôn. Hộ gia đình đồng bào Khmer sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89,3%. Kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 cho thấy, tỉnh có 11.800 hộ nghèo, chiếm 2,57%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số hơn 3.100 hộ, chiếm 4,7%.

Hằng năm, Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer, tham gia học nghề tập trung ở các trình độ Cao đẳng, Trung cấp, qua đó giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm