Đơn vị y tế đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt tiêu chuẩn quốc tế về hỗ trợ sinh sản

Đơn vị y tế đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt tiêu chuẩn quốc tế về hỗ trợ sinh sản

Ngày 30/12, tại Cần Thơ, Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVF, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (thuộc Tập đoàn Y tế Phương Châu) đã công bố đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cho hỗ trợ sinh sản (RTAC). Đây là đơn vị y tế đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này tại Đồng bằng sông Cửu Long sở hữu được chứng nhận RTAC.

Đơn vị y tế đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt tiêu chuẩn quốc tế về hỗ trợ sinh sản ảnh 1Các gia đình hiếm muộn có con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám đốc Tập đoàn Y tế Phương Châu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Chứng nhận RTAC (Reproductive Technology Accreditation Committee) được xây dựng và thẩm định bởi Ủy ban Chứng nhận chất lượng về Kỹ thuật sinh sản (Reproductive Technology Accreditation Committee - RTAC), thuộc Hiệp hội Sinh sản Australia và New Zealand (Fertility Society of Australia and New Zealand - FSANZ). Đây là quy chuẩn chung trong quản trị, xác nhận thực hành đúng chuẩn quốc tế và thúc đẩy nâng cao chất lượng dành cho các đơn vị hỗ trợ sinh sản.

Để đạt được chứng nhận RTAC (phiên bản quốc tế 2018), các đơn vị hỗ trợ sinh sản phải đáp ứng 12 tiêu chuẩn thiết yếu và 7 tiêu chuẩn về thực hành tốt. Bộ tiêu chuẩn này xoay quanh các vấn đề chính về an toàn và đảm bảo chất lượng trong suốt quá trình điều trị; nhận diện chính xác từng khách hàng, phôi, trứng, tinh trùng tại mọi thời điểm; kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra với khách hàng cũng như phôi, giao tử của họ bằng cách chuẩn hóa trong từng khâu của quá trình điều trị và hoàn thiện hệ thống quản lý chất lượng của đơn vị. Đồng thời, các đơn vị phải không ngừng đào tạo liên tục, duy trì và nâng cao năng lực chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên y tế; thỏa mãn các nhu cầu của khách hàng...

Đơn vị y tế đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt tiêu chuẩn quốc tế về hỗ trợ sinh sản ảnh 2Các máy móc hiện đại tại Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVF, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Bộ tiêu chuẩn thực hành RTAC giúp các trung tâm điều trị hiếm muộn, vô sinh tuân thủ, thực hiện cải tiến liên tục nhằm đảm bảo an toàn và chất lượng điều trị. Từ đó, nâng cao tỷ lệ thành công trong điều trị hỗ trợ sinh sản; tối ưu hóa vận hành, giúp tiết kiệm, mang lại chi phí hợp lý nhất cho người dân.

Hơn 10 năm hoạt động, Khoa Hiếm muộn (IVF), Bệnh viện Quốc tế Phương Châu đã tư vấn cho hơn 31.500 cặp gia đình, với tỷ lệ thành công khoảng 74% (là tỷ lệ thai lâm sàng với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm - chuyển phôi trữ lạnh của đối tượng người phụ nữ dưới 35 tuổi). Khoa đã chào đón hơn 3.000 em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Đơn vị y tế đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt tiêu chuẩn quốc tế về hỗ trợ sinh sản ảnh 3Một gia đinh hiếm muộn có con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bày tỏ niềm hạnh phúc. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Là một trong những gia đình có con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, chị Nguyễn Ngọc Yến Nhi (33 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) chia sẻ, chị lập gia đình năm 2015 nhưng đến năm 2018 vẫn chưa thể có con. Hai vợ chồng đã đến Bệnh viện Quốc tế Phương Châu và được hỗ trợ làm các phương pháp kích trứng, cấy phôi… Kết quả, đến năm 2019, chị đã hạ sinh hai bé gái khỏe mạnh. Tổng chi phí điều trị khoảng 200 triệu đồng.

Ánh Tuyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm