Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu nay bị mai một. Ảnh: Đặng Tuấn |
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Cil Sắc Ly ở thôn Đa La, xã Đạ M’Rông, một trong những điển hình về phát triển kinh tế của huyện Đam Rông. Nhiều năm trước, cuộc sống của gia đình chị gồm 4 người vô cùng khó khăn. Từ khi tham gia chi hội phụ nữ, được tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, cách áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chị Cil Sắc Ly đã mạnh dạn đầu tư 40 triệu đồng để phát triển nghề nuôi tằm. Đến nay, gia đình chị có thu nhập 6 triệu đồng/tháng từ trồng dâu nuôi tằm và một số nguồn thu từ chăn nuôi, sản xuất cà phê. “Hiện nay tôi đã thoát nghèo, tin chắc nhiều hội viên khác cũng sẽ thoát nghèo trong năm tới”, chị Cil Sắc Ly vui vẻ nói.
Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông, hộ gia đình chị Cil Sắc Ly ở thôn Đa La, xã Đạ M’Rông được vay vốn 40 triệu đồng để học nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh: Đặng Tuấn |
Xác định “Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường” là nhiệm vụ hàng đầu, những năm qua, Hội LHPN huyện Đam Rông đã chủ động tuyên truyền, vận động hội viên tích cực lao động sản xuất; đẩy mạnh phong trào giúp nhau vốn, con giống, cây giống, ngày công; đồng thời tạo điều kiện để các hội viên tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Đam Rông còn chú trọng công tác xây dựng đời sống tinh thần cho chị em, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”..., thu hút được đông đảo hội viên tham gia.
Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đam Rông đã giúp nhiều hội viên là người dân tộc thiểu số thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ảnh: Đặng Tuấn |
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông tổ chức Hội thi “Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cơ sở giỏi”. Ảnh: Đặng Tuấn |
Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đam Rông, chị Păng Tiêng K’Măng ở thôn Liêng K Sắc 1, xã Đạ M’Tông, huyện Đam Rông được hộ trợ vốn phát triển chăn nuôi lợn (heo) đen từ năm 2107. Nhờ vậy, gia đình chị đến nay đã thoát nghèo. Ảnh: Đặng Tuấn |
Nhờ vậy, từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN huyện Đam Rông đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân được 112 tỷ đồng. Năm 2018, Hội đã giúp 231 hộ gia đình hội viên thoát nghèo; 6 tháng đầu năm 2019, các cơ sở Hội đã giúp nhau 2.285 ngày công lao động... Chị Phan Thị Cẩm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông cho biết: “Năm 2019, Hội đã tổ chức 4 lớp đào tạo nghề nuôi lợn (heo) đen và trồng dâu nuôi tằm. Hội còn ra mắt các mô hình nhằm bảo tồn phát huy nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan gùi, công chiêng. Điều này giúp chị em phụ nữ tự tin hơn trong xây dựng gia đình văn hóa và xây dựng quê hương phát triển”.
Đặng Tuấn
Báo in T10/2019