“Đòn bẩy” giúp hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững

Ông Chàm Sa Hot tận dụng vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh nuôi dê, tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Ông Chàm Sa Hot tận dụng vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh nuôi dê, tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Việc thực hiện quyết liệt các chính sách giảm nghèo với nhiều mô hình phù hợp đã tạo “đòn bẩy” giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước thoát nghèo bền vững, từng bước phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

“Đòn bẩy” giúp hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững ảnh 1Ông Chàm Sa Hot tận dụng vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh nuôi dê, tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh: K GỬIH -TTXVN

Ghi nhận tại xã Phước Minh (huyện biên giới Bù Gia Mập), nhiều hộ dân rất phấn khởi khi đã thoát nghèo nhờ thụ hưởng các nguồn hỗ trợ từ Nhà nước và nỗ lực từ chính bản thân. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã đã không ngừng huy động các nguồn lực, đưa ra các giải pháp để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Chị Thị Thủy, người dân tộc S’tiêng từ khi lập gia đình luôn trong tình trạng túng thiếu. Thu nhập chủ yếu dựa vào đồng lương đi làm thuê cuốc mướn. Năm 2020, gia đình chị được chính quyền địa phương xem xét và hỗ trợ xây nhà tình thương. Bên cạnh niềm vui vừa nhận nhà mới, gia đình chị còn được hỗ trợ thêm một cặp bò giống cùng vốn vay ưu đãi 40 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình chị sử dụng số tiền vay ưu đãi để chăm sóc 200 trụ tiêu và 100 cây sầu riêng. Chị Thị Thủy chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhà ở tạm bợ, không có vốn đầu tư sản xuất nên vẫn chưa có nguồn thu ổn định. Được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, hỗ trợ vốn vay sản xuất, gia đình tôi rất mừng và phấn đấu phát triển kinh tế tốt hơn".

Sau thời gian sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi chăm sóc cây trồng, mùa vụ vừa qua, hơn 10 cây sầu riêng 8 năm mang nguồn thu cho gia đình hơn 100 triệu đồng và hơn 1 tấn hồ tiêu. Giờ đây, cuộc sống gia đình chị Thủy đã bước sang một trang mới. Theo chị Thủy, việc được hỗ trợ căn nhà và vay vốn ưu đãi đã giúp chị yên tâm chăm lo cho con cái ăn học, đời sống đỡ vất vả hơn. Kinh tế gia đình đang phát triển tốt.

Cũng ở xã Phước Minh, gia đình ông Miều Trần Sáng là một trong những hộ khó khăn nhất ở địa phương. Năm 2021, vợ chồng ông được hỗ trợ xây căn nhà cùng với nguồn vốn chính sách 70 triệu đồng để chăm sóc 150 cây điều ghép, 120 cây sầu riêng và tiêu. Sau hơn 3 năm, gia đình ông đã có nguồn thu cao hơn trước và thoát nghèo. Nguồn thu từ cây tiêu, sầu riêng, cây điều đã giúp gia đình trả nợ vốn vay ngân hàng. Theo ông Miều Trần Sáng, sau khi nhận số vốn, gia đình tích cực đầu tư chăm sóc sầu riêng, điều và mua máy tưới nước cho vườn cây. Hiện nay, thu nhập của gia đình đã khá hơn trước; đồng thời, tích góp trồng thêm các loại cây ăn trái để tăng thu nhập, không tái nghèo.

Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, nhiều hộ đồng bào thiểu số nghèo ở xã Phước Minh đã được tiếp cận các nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, hỗ trợ về nhà ở, con giống... Đến nay, nhiều hộ nghèo đã thay đổi nhận thức, có phương thức phát triển kinh tế bền vững, đời sống gia đình ổn định.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Minh Bùi Ngọc Thủy cho biết, địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,4% số hộ dân toàn xã. Số hộ nghèo hiện nay chỉ còn 40 hộ. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm rõ rệt từng năm.

Các chính sách hỗ trợ người nghèo, đặc biệt hộ dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiều hộ nghèo đã vươn lên vượt khó, đời sống kinh tế ngày càng ổn định. Địa phương trên cơ sở các nguồn lực đã bám sát điều kiện nhu cầu thực tế của mỗi hộ nghèo để đưa ra hỗ trợ phù hợp, giải pháp cụ thể, giúp người dân phát triển sản xuất hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm