Bình Phước: Nông dân dân tộc thiểu số liên kết sản xuất nông nghiệp sạch

Điều được đầu tư theo hướng hữu cơ đang cho giá trị kinh tế cao tại Bình Phước. Ảnh: binhphuoc.gov.vn
Điều được đầu tư theo hướng hữu cơ đang cho giá trị kinh tế cao tại Bình Phước. Ảnh: binhphuoc.gov.vn

Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch thu hút sự tham gia của hàng trăm hội viên nông dân là người dân tộc thiểu số tại xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (tình Bình Phước) để cùng sản xuất nông nghiệp sạch, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp các thành viên có nguồn thu ổn định, góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bình Phước: Nông dân dân tộc thiểu số liên kết sản xuất nông nghiệp sạch ảnh 1 Ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong và ngoài nước đã được nhiều HTX tại Bình Phước triển khai thực hiện. Nguồn ảnh: vca.org.vn

Liên kết chuỗi giá trị mang hiệu quả kinh tế

Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch thành lập năm 2022, đến nay có 165 thành viên. Hợp tác xã hoạt động chủ yếu trên địa bàn thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Thế mạnh của Hợp tác xã là canh tác điều hữu cơ, cà phê sạch. Trong năm 2023, Hợp tác xã đã xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với vùng nguyên liệu hơn 1.000ha.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nai Đinh Xuân Hòa cho biết, với đặc thù địa phương có gần 70% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hơn 80% hộ dân sinh sống bằng nghề nông, cây điều vẫn là cây chủ lực của địa phương. Việc bà con dân tộc thiểu số tham gia vào hợp tác xã giúp họ được hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, kinh phí đầu tư, đầu ra ổn định…

Các thành viên tham gia hợp tác xã là người dân tộc thiểu số, tập tục canh tác còn đơn giản, sản lượng nông nghiệp không cao nhưng cơ bản sạch và phần nào đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các công ty xuất khẩu. Sau khi vào hợp tác xã, thành viên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, hỗ trợ vật tư sản xuất điều theo hướng hữu cơ… Các thành viên đã tích cực hưởng ứng, thực hiện và thu được sản lượng vườn điều khoảng 2 tấn/ha, chất lượng đáp ứng được yêu cầu các công ty liên kết đề ra.

Bà Thị Khưi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch cho biết: Hợp tác xã đã liên doanh, liên kết với các công ty xuất khẩu điều hỗ trợ các thành viên canh tác điều theo hướng hữu cơ, cà phê sạch. Đồng thời, các công ty bao tiêu sản phẩm cho các thành viên, mang lại lợi nhuận, nâng cao đời sống, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đến nay, Hợp tác xã đã chủ động xây dựng, ký kết chuỗi liên kết với các công ty nước ngoài như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Taghet Việt Nam, Công ty Chế biến hàng xuất khẩu LAFOOCO Long An, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điều Intersnack Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Marubeni Việt Nam... chuyên xuất khẩu hạt điều và các mặt hàng nông sản sang châu Âu và thị trường Nhật Bản.

Trong vụ mùa năm 2023, Hợp tác xã đã bao tiêu 1.700 tấn điều thô với giá cao hơn thị trường 500 đồng/kg; phối hợp cùng các công ty xuất khẩu tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật canh tác điều theo hướng hữu cơ cho các thành viên hợp tác xã, với hơn 254 lượt người tham gia; hỗ trợ vật tư, máy móc cho 270 hộ, phục vụ sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng đồng bộ.

Tham gia Hợp tác xã, gia đình ông Điểu Ma Rút A đã thay đổi hoàn toàn cách trồng cây điều theo truyền thống (chủ yếu dựa vào tự nhiên). Theo ông Điểu Ma Rút A, hầu hết vườn điều của gia đình trước đây không được chăm sóc, sản lượng chỉ được vài tạ trên 1 ha. Từ khi tham gia Hợp tác xã, gia đình ông đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, bón phân, nên năng suất điều tăng gấp đôi, thu nhập ổn định. Được Hợp tác xã bao tiêu thu mua sản phẩm sau khi thu hoạch với giá tốt, gia đình ông có nguồn thu cũng tăng hơn trước đây.

Bình Phước: Nông dân dân tộc thiểu số liên kết sản xuất nông nghiệp sạch ảnh 2Điều được đầu tư theo hướng hữu cơ đang cho giá trị kinh tế cao tại Bình Phước. Ảnh: binhphuoc.gov.vn

Đồng hành với hộ nghèo vượt khó

Hiện nay, một số vườn điều đã già cỗi, người dân không dám phá bỏ vườn cũ để chuyển đổi mô hình do sợ mất chi phí đầu tư giống, vật tư chăm sóc, mất nguồn thu trong những năm tiếp theo. Việc sản xuất điều theo các tiêu chuẩn đòi hỏi chi phí đầu tư tăng cao nên các hộ nghèo và cận nghèo không đủ nguồn lực tham gia. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch cho biết, Hợp tác xã tiếp tục xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất với các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Đồng Nai nhằm mở rộng thành viên, hỗ trợ tích cực hơn đối với các đối tượng yếu thế, nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Hợp tác xã đối với việc hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo, nâng cao vị thế và tạo sự tin tưởng của bà con tại địa phương.

Hợp tác xã sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn tại địa phương để nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc điều cho các thành viên; đồng thời, tổ chức đào tạo cho lao động trẻ, có kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc điều, đặc biệt là mô hình trồng xen canh dưới tán điều, thành lập các tổ dịch vụ trồng và chăm sóc vườn điều để cải tạo vườn cho các thành viên. Hợp tác xã cũng hỗ trợ màng phủ, lưới phủ để ủ lá điều, tránh việc đốt lá khi vào vụ thu hoạch; hỗ trợ giống, vật tư, thiết bị, dịch vụ cải tạo vườn cho các thành viên; xây dựng thí điểm một số mô hình trồng giống mới năng xuất cao, trồng xen các loại cây khác để tăng hiệu quả khai thác diện tích đất để bà con tham quan, học tập và tận mắt thấy được hiệu quả của việc đầu tư cải tạo vườn. Ngoài ra, các thành viên Hợp tác xã sẽ phối hợp hỗ trợ thành viên nghèo, khó khăn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước đánh giá, Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch được sự ủng hộ và hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước, được người dân tin tưởng, tham gia và được các đối tác liên kết tin tưởng đầu tư. Bà Nguyễn Thanh Phương mong muốn các cấp, ngành tại địa phương sẽ luôn đồng hành, tạo thuận lợi nhất để Hợp tác xã phát triển bền vững. Hợp tác xã cần cụ thể hóa phương án sản xuất kinh doanh, liên kết chặt chẽ với đối tác về quy trình kỹ thuật chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo tốt đầu ra, nâng cao giá thành sản phẩm, cải thiện thu nhập cho bà con.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Nai Đinh Xuân Hòa cho biết, đa số thành viên Hợp tác xã là hội viên Hội Nông dân của xã nên thường xuyên tham gia sinh hoạt ở các chi tổ hội tại các thôn. Hợp tác xã hoạt động rất hiệu quả, có bộ máy điều hành, quản lý là những người tâm huyết, năng nổ, nhiệt tình, chịu khó tìm tòi, liên hệ với các công ty xuất khẩu điều để xây dựng các liên kết, bao tiêu sản phẩm cho thành viên. Đây còn là những điển hình gương mẫu trong sản xuất và kinh doanh, được bà con nhân dân tin tưởng và nghe theo. Hội Nông dân xã đã hỗ trợ cho hợp tác xã về khoa học, kỹ thuật, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Hợp tác xã Nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch đã và đang tạo niềm tin cho các hội viên tham gia. Hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho 12-15 lao động người dân tộc thiểu số với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng; tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ hộ khó khăn “lá lành đùm lá rách”; thường xuyên vận động và ủng hộ kinh phí cho địa phương, như hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn đón Tết Nguyên đán, hỗ trợ Ngày vì người nghèo.

K GỬIH

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm