Đổi thay trên quê hương những người mang họ Bác Hồ: Bài 1 - Hồi sinh vùng "đất chết" A Ngo

Đổi thay trên quê hương những người mang họ Bác Hồ: Bài 1 - Hồi sinh vùng "đất chết" A Ngo

Bài 1: Hồi sinh vùng "đất chết" A Ngo 

Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Vai (Cu Thời) cho biết: "Ngày trước, đồng bào vùng núi ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế thường lấy tên của các loài thực vật như Ra Pát, Pơ Loong, Pi siêh, A Relơ… làm họ của mình. Con đường đồng bào đến với họ Hồ là cả quá trình dài nhưng tất cả bắt đầu từ mạch nguồn tôn kính vô hạn Bác Hồ". Ông Hồ Vai cho biết thêm: "Đồng bào biết đến Bác Hồ đầu tiên là từ cán bộ người Kinh lên công tác, bám đất, bám rừng, tương trợ đồng bào chiến đấu chống giặc. Cán bộ thường kể về Bác Hồ, thường nói lời Bác dặn phải đoàn kết đánh giặc, người Kinh với người Thượng là một, phải coi nhau như anh em ruột thịt, phải chống giặc đói, giặc dốt, giữ gìn vệ sinh, ăn chín uống sôi". 

Nông dân huyện A Lưới được mùa vụ lúa đông xuân. Ảnh: Hồ Cầu- TTXVN
Nông dân huyện A Lưới được mùa vụ lúa đông xuân. Ảnh: Hồ Cầu- TTXVN

Năm 1969, khi chiến trường Trị Thiên - Huế đang ở giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nghe tin Bác Hồ mất, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng loạt mang họ Hồ để tỏ lòng thương kính đối với Bác (mặc dù trước đó đã có người mang họ Bác Hồ nhưng chưa nhiều). Khắc sâu tình cảm thiêng liêng ấy, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên - Huế một lòng một dạ son sắt với Đảng, Bác Hồ kính yêu, đoàn kết chiến đấu giải phóng và xây dựng quê hương. 

Bảng vàng thành tích của A Lưới hiện ghi công 557 người con dân tộc thiểu số hy sinh cho đất nước, 1.018 thương bệnh binh, hàng ngàn lượt dân công hỏa tuyến, 10 Mẹ Việt Nam anh hùng, 14/21 xã được Nhà nước tặng thưởng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng 338 gia đình có công với nước, hàng trăm đồng bào bị địch giết hại. Những con số đó phần nào nói lên sự khốc liệt của chiến trường Trị Thiên - Huế. Nhiều người con ưu tú của đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới mang họ Hồ đã trở thành anh hùng như Anh hùng Hồ Vai, Anh hùng Hồ Kan Lịch... Toàn huyện A Lưới có hơn 40,3% người mang họ Bác Hồ; trong đó, chỉ riêng đồng bào dân tộc Pacô có 7.122 người, chiếm tỉ lệ 45,2% dân số mang họ Bác Hồ. 

A Lưới nổi tiếng là vùng chiến khu cách mạng của Thừa Thiên - Huế. Nơi đây còn ghi dấu ấn của các dân tộc ít người như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy… một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ. Trước thời điểm Bác Hồ mất, chiến trường vốn ác liệt nhưng ở A Lưới còn một thứ khốc liệt hơn cả bom đạn - đó là thảm họa chất độc da cam/dioxin. Nếu tính trong chiến dịch Ranch Hand từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã rải 72 triệu lít thuốc diệt cỏ (chứa 170kg dioxin) xuống miền Nam, trong đó riêng tại A Lưới (Thừa Thiên - Huế) là 432.812 lít (chứa 11kg dioxin). 

Đến nay, sân bay A So - vùng A Ngo (xã Đông Sơn, huyện A Lưới) được chia làm ba khu vực A, B, C để khắc phục hậu quả tùy theo mức độ nhiễm dioxin, trong đó khu A là khu vực nguy hiểm nhất, rộng 1,65 ha. Tại xã Đông Sơn đến nay còn 61 người bị tàn tật, điếc, bại não, thần kinh, liệt tay chân… liên quan đến dioxin, trong đó có 26 trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Tại A Lưới, số hộ nghèo hiện chủ yếu là những hộ có người nhiễm dioxin vì mỗi gia đình đều bị mất thêm lao động trong nhà do có người nhiễm, nghi nhiễm. 

Chất độc dioxin ở Ðông Sơn không chỉ tồn tại trong lòng đất mà nguồn nước phục vụ cho sản xuất, đời sống hàng ngày của nhân dân bị nhiễm nặng chất độc hóa học. Trước mức độ tồn đọng quá lớn của chất độc dioxin trên vùng đất A So, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài đều cảnh báo không được sống, canh tác và không được nuôi bất cứ con gì, trồng cây gì ở "rốn da cam" Ðông Sơn này, bởi tất cả mọi thứ từ đất, nước, cây cối... đều có nồng độ dioxin cao hơn 26 lần mức cho phép. 

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng hậu quả của chất độc da cam để lại còn rất nặng nề. Dù đã được Nhà nước quan tâm hỗ trợ rất nhiều nhưng vẫn còn bao khó khăn mà các nạn nhân chất độc da cam ở đây đang phải gánh chịu. Năm 2005, Trung tâm Hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và phát triển cộng đồng đưa ra phương án khoanh vùng nhiễm độc dioxin tại sân bay A So bằng hàng rào bồ kết và được các nhà khoa học đánh giá cao ở tính khả thi, hiệu quả. Loại cây này bà con vẫn hay trồng, không tốn nhiều công chăm sóc lại có tác dụng ngăn người và vật nuôi tiếp xúc với khu vực nguy hiểm. Cây bồ kết còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương, đồng thời khả năng tái sản xuất rất cao. Ngân hàng Thế giới đã tài trợ hai vạn cây bồ kết gai và cây keo gai trồng làm hàng rào phụ bao quanh 1ha đất nhiễm dioxin. Nhưng trận lũ năm 2005, đã cuốn trôi tất cả. 

Năm 2007, tổ chức War Legacies Project (Hoa Kỳ) và một số tổ chức khác đã hỗ trợ trên 20.000 cây bồ kết gai và keo gai để trồng lại, nhằm giảm phần nào tác hại của dioxin, trả lại màu xanh cho vùng đất chết. Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc da cam/dioxin hỗ trợ đã xây dựng tại Đông Sơn công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt hằng ngày cho phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở đây. Sắp tới, tại khu vực sân bay A So cũ sẽ khôi phục đường bay, hầm chỉ huy, công trình quân sự và cả nhà trưng bày hình ảnh A So - Ðông Sơn nhằm tạo một địa điểm du lịch trên đường Hồ Chí Minh. 

Các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới (Thừa Thiên- Hế). Ảnh: Hồ Cầu- TTXVN
Các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới (Thừa Thiên- Hế). Ảnh: Hồ Cầu- TTXVN

Huyện A Lưới có 18/21 xã, thị trấn thành lập được Hội nạn nhân chất độc da cam, thường xuyên tổ chức thăm và tặng quà cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn với nguồn kinh phí chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh thực hiện các giải pháp khắc phục, nhiều chương trình trong và ngoài nước đã đến với Ðông Sơn, người dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn để xây dựng mô hình sản xuất thử nghiệm như trồng lúa nước, trồng rừng, sắn, ngô cao sản thay cho cây công nghiệp dài ngày kém hiệu quả. Các chương trình 134, 135, chương trình xóa nhà tạm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật sản xuất... đã về với người dân Ðông Sơn nên kinh tế được cải thiện rõ rệt. Như gia đình chị Kăn Ay (có chồng và con bị nhiễm chất độc da cam dioxin) được vay vốn trồng cây ngô lai trên đất giữa hai vụ lúa, đủ làm thức ăn chăn nuôi và vươn lên thoát nghèo. 

Từ một vùng "đất chết", 50 năm sau ngày giải phóng, A So - Ðông Sơn nay đã hồi sinh với xanh ngát những cánh rừng trồng; nhiều công trình trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và các công trình dân sinh đã mọc lên khang trang. Hệ thống giao thông liên thôn, bản, xã đã được kết nối bằng bê tông hóa thuận tiện cho đồng bào giao thương hàng hóa giữa các vùng. Toàn xã đã sản xuất được 82 ha lúa nước, hơn 500 ha rừng kinh tế và chăn nuôi gần 1.000 con trâu, bò và dê. Có nhiều hộ nuôi hơn 10 con bò trở lên, làm chủ vài chục ha rừng và hầu như nhà nào cũng có từ hai đến ba sào ruộng lúa nước. Cùng với phát triển kinh tế hộ gia đình, Đông Sơn đã xóa được hơn 200 căn nhà tạm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất. 

Đến thăm xã Ðông Sơn hôm nay, dẫu rằng vẫn còn có những người bị dị tật, cuộc sống vô cùng khó khăn vì di chứng của chất độc da cam nhưng màu xanh mướt của những vùng cây ngô hay ruộng rau tươi tốt như phần nào xoa dịu bớt nỗi đau da cam của họ...

Có thể bạn quan tâm