Nhà tưởng niệm Hoàng Đình Giong (xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN |
Một ngày tháng 5, vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh liệt sỹ Hoàng Đình Giong đang đến gần, chúng tôi có dịp trở lại thăm quê hương ông ở phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng. Mảnh đất, căn nhà ông Hoàng Đình Giong ở năm xưa vẫn còn đây, giờ đã được tôn tạo, mảnh vườn được trồng cây trái, chăm sóc xanh tươi. Trong ngôi nhà tưởng niệm bằng gỗ đơn sơ, ông Hoàng Văn Thép - người trông coi, chăm sóc khu tưởng niệm cho biết, khu tưởng niệm luôn được chăm sóc, mở cửa hàng ngày để đón khách thăm quan. Người dân trong làng, con cháu trong dòng họ vẫn thường dâng hương trong những ngày lễ, Tết. Ai cũng nhớ thương ông Hoàng Đình Giong, nhờ có ông, có cách mạng, cuộc sống người dân mới được như ngày hôm nay.
Ông Hoàng Đình Giong, sinh ngày 1/6/1904, tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng nay là phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng. Từ nhỏ, Hoàng Đình Giong đã thông minh, học giỏi, có tinh thần yêu nước. Năm 1925, Hoàng Đình Giong học ở Trường Bách Nghệ (Hà Nội), tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh, sinh viên. Sau khi tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Hoàng Đình Giong bị đuổi học. Trở về Cao Bằng, ông vận động một số thanh niên và học sinh vào Hội thanh niên yêu nước. Năm 1927, Hoàng Đình Giong đã bí mật sang Long Châu (Trung Quốc) tham dự các lớp huấn luyện của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Hồ Chí Minh sáng lập và được kết nạp vào tổ chức này.
Các tài liệu, hiện vật bên trong nhà tưởng niệm Hoàng Đình Giong luôn được chăm sóc, bảo quản phục vụ khách thăm quan, nghiên cứu lịch sử. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN |
Tháng 12/1929, Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam), được bầu làm Bí thư Chi bộ, được giao nhiệm vụ chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Hoàng Đình Giong và Chi bộ Đảng, phong trào cách mạng ở Cao Bằng có bước phát triển lớn mạnh.
Trong ký ức của bà Hoàng Thị Bi, 90 tuổi, cháu gái ruột của Hoàng Đình Giong vẫn còn nhớ như in những ngày tháng hoạt động cách mạng của người chú Hoàng Đình Giong. Bà Bi kể: Ngày chú Giong hoạt động cách mạng, gia đình tôi luôn trong tình hình nguy hiểm. Chú và đồng chí của chú ấy thường họp bàn vào ban đêm trên gác nhà tôi. Mỗi lần như thế, tôi thường được cử ra đầu làng để canh gác, cảnh giới cho chú họp. Lớn hơn chút nữa, tôi được giao nhiệm vụ thu gom thóc gạo để chuyển cho cách mạng. Tôi thường giấu thóc trong những cái chum ở bụi tre gần bờ sông. Chỉ ban đêm mới được ra đổ thóc vào chum, đổ xong phải dùng cành cây che lấp thật khéo để tránh người làng phát hiện. Sau này, chú Giong bận việc nhiều hơn, lâu lâu mới về thăm nhà một lần. Lần cuối cùng về, chú xoa đầu tôi và bảo, cố gắng học chữ đi, lần sau chú về phải biết chữ nhé. Sau lần ấy, tôi không được gặp chú nữa…”
Đường vào căn nhà đồng chí Hoàng Đình Giong sinh sống năm xưa nay đã bê tông hóa sạch đẹp. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN |
Tháng 3/1935, Hoàng Đình Giong được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Cuối năm 1935, đồng chí trở về nước, tổ chức chỉ đạo phong trào công nhân tại Hải Phòng, Quảng Ninh và bị thực dân Pháp bắt đi đày biệt xứ tận châu Phi. Khi trở về, Hoàng Đình Giong tiếp tục hoạt động và có công lớn trong tổ chức thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Cao Bằng.
Tháng 10/1945, Hoàng Đình Giong được Bác Hồ và Trung ương Đảng giao nhiệm vụ làm Chỉ huy trưởng bộ đội Nam tiến. Hội nghị quân sự Nam Bộ tháng 11/1945 tại Hóc Môn, đồng chí được cử làm Chính ủy Giải phóng quân Nam Bộ. Đến tháng 12/1945, đồng chí được bổ nhiệm làm Khu Bộ trưởng Khu IX, gồm 9 tỉnh. Trước lúc lên đường, Hoàng Đình Giong được mời đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã dặn dò và đổi tên Hoàng Đình Giong thành Võ Văn Đức (Vũ Đức) để đảm bảo bí mật trước khi Nam tiến. Bác ôn tồn dặn: "Chú cầm quân ra chiến trường, văn, võ đều cần nhưng phải chú trọng cái đức của người cách mạng".
Thấm thía lợi dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở cương vị nào, Hoàng Đình Giong đều thể hiện phẩm chất cao đẹp và bản lĩnh của một vị tướng tiên phong, dùng cái đức của người cách mạng để thu phục nhân tâm.
Đầu năm 1946, thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn, âm mưu gây hận thù, chia rẽ dân tộc Kinh và dân tộc Khmer, lôi kéo đồng bào Khmer chống lại cách mạng, kích động người Khmer giết hại người Kinh. Nhiều nơi đã diễn ra cảnh "huynh, đệ tương tàn", khoét sâu mâu thuẫn dân tộc. Tình hình trở nên phức tạp, đồng chí Võ Văn Đức (Vũ Đức) đích thân đi kiểm tra và ra lệnh thả ngay số đồng bào Khmer bị giam giữ ở Phước Long và các nơi khác. Đồng thời, giáo dục nhân dân nhận thức rõ âm mưu xấu xa của kẻ thù; tuyên truyền về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dùng đạo đức cách mạng để cảm hóa, những người lạc lối trở về. Nhờ cái đức ấy, Hoàng Đình Giong đã thành công lớn trong việc hòa giải dân tộc. Các cuộc xung đột chấm dứt, tiếng lành lan xa khắp miền Nam Bộ, đồng bào vui mừng, tự giác ủng hộ kháng chiến.
Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại CK7 (Ninh Thuận), đồng chí Hoàng Đình Giong đã anh dũng hy sinh giữa lúc nhiệt huyết cách mạng đang tràn đầy. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong trở thành tấm gương cao đẹp về phẩm chất cách mạng của người chiến sỹ trung kiên, người con tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, sau ngày quê hương giải phóng, đất nước thống nhất, đồng bào các dân tộc trên mảnh đất Cao Bằng luôn đoàn kết, yêu thương, dưới ngọn cờ của Đảng, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bản Thôm Hoáng quê nhà của ông Hoàng Đình Giong nay được đổi tên thành xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thuộc thành phố Cao Bằng. Thành phố Cao Bằng hôm nay đang vươn mình lớn dậy, trở thành một trong những thành phố trẻ năng động với định hướng phát triển du lịch, thương mại biên giới. Về Cao Bằng, phố xá đã sầm uất hơn nhiều, những con đường lớn đang khẩn trương mở rộng, khu trung tâm hành chính mới của tỉnh đang dần hình thành. Bộ mặt đô thị của thành phố Cao Bằng được chỉnh trang quy củ, có đầy đủ hệ thống chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè…
Trong năm 2018, thành phố đã có nhiều bước tiến vượt bậc, thu ngân sách đạt trên 400 tỉ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt gần 1.200 tỉ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp 72 triệu đồng/ha, 98% dân cư đô thị được cấp nước sạch, 100% trẻ em được đến trường, người dân được chăm sóc y tế, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,7%… Riêng tại phường Đề Thám, nơi Hoàng Đình Giong sinh sống năm xưa cũng có sự đổi thay rõ rệt. Làng quê lam lũ năm xưa nay đã thành phố phường đông đúc, nhộn nhịp. Đề Thám với vị trí cửa ngõ của thành phố, đang được đầu tư để trở thành khu trung tâm hành chính mới của tỉnh với những tòa nhà cao tầng khang trang, hiện đại, đường lớn thênh thang. Có được ngày hôm nay, cán bộ và nhân dân Cao Bằng luôn ghi nhớ công ơn liệt sỹ Hoàng Đình Giong – người anh cả, vị tướng tiên phong của cách mạng giải phóng dân tộc năm xưa.
Quốc Đạt
TTXVN