Cánh đồng dâu giống mới 2 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn SLấn, xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba (Bảo Lạc). |
Đầu năm 2016, chúng tôi đến Phiêng Mòn, xã Cô Ba (Bảo Lạc), nơi đầu tiên có 11 hộ tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm theo chương trình hợp tác với huyện Nà Po (Trung Quốc). Xóm nhỏ sát biên giới nhưng đường đến xóm đã được bê tông hóa, điện lưới quốc gia đã kéo đến từng nhà. Nhiều gia đình đã làm được nhà sàn kiên cố, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền như xe máy, máy cày, máy xát. Bí thư Chi bộ Phiêng Mòn Lục Văn Nguyên vui vẻ thông báo, tất cả là từ cây dâu, con tằm ra đấy. Triển khai từ đầu năm 2012, diện tích khoảng 3 ha với 11 hộ tham gia. Năm đầu thu được 1,5 tấn kén/ha, trừ chi phí như giống, vật tư phân bón thu lãi hơn 65 triệu đồng/ha, cao hơn trồng ngô, lúa nên bà con phấn khởi lắm. Đến nay, 29/29 hộ trong xóm đều đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Tùy điều kiện thực tế nhân lực trong gia đình, mỗi hộ đầu tư mua 20 - 30 nghìn gốc dâu, mỗi năm nuôi 6 - 7 lứa kén (năm 2 vụ), bình quân mỗi lứa thu 50 kg kén, với giá bình quân 120 - 140 nghìn đồng/kg kén, trừ chi phí giống, khay, vật tư phân bón..., thu lãi khoảng 7 triệu đồng. Đến nay, xóm đã có khoảng 15 ha dâu đang thời kỳ thu hoạch, năm 2015 cả xóm bán kén được hơn 450 triệu đồng, quả là con số mơ ước đối với nông dân chỉ quen trồng ngô, lúa. Nhiều hộ như Nguyễn Văn Thường, Nguyễn Văn Và, Nguyễn Văn SLấn... trồng khoảng 30.000 gốc dâu, mỗi năm nuôi 6 - 7 lứa tằm, bán kén cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng.
Kỹ sư Nguyễn Trường Thức, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Lạc, người đã gắn bó với cây dâu con tằm của Phiêng Mòn ngay từ ngày đầu triển khai tâm sự, ban đầu vất vả lắm, bà con chỉ quen với trồng lúa, ngô nên tham gia mô hình tâm lý lo lắng. Được huyện giao nhiệm vụ về xóm trực tiếp chỉ đạo thực hiện mô hình, kỹ sư Thức đã lăn lộn cả tháng trời với bà con hướng dẫn tỷ mỷ từ cách thức trồng dâu, hái lá, chăm sóc tằm... Đến khi những con tằm chín vàng óng tự mình nhả ra những sợi tơ mềm mại cuộn mình tạo thành những trái kén trắng muốt. Tận tay sờ vào kén tằm, to ngang đầu ngón tay cái người lớn, bán sang cho đối tác không bị trả lại với giá khoảng 140 nghìn đồng/kg thì anh mới thở phào, coi như mô hình đã thành công.
NHÂN LÊN THÀNH SẢN XUẤT HÀNG HÓA
Thành công bước đầu từ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm tại Phiêng Mòn, Cô Ba đã tạo động lực cho huyện Bảo Lạc quyết định mở rộng diện tích. Bảo Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân 4 xã biên giới từ Thượng Hà, Cốc Pàng, Cô Ba, Khánh Xuân và một số xã nhân rộng diện tích trồng dâu, nuôi tằm nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình. Sau 4 năm thực hiện mô hình đến nay diện tích trồng dâu nuôi tằm huyện Bảo Lạc tăng lên hơn 70,37 ha. Tập trung tại các xã Cô Ba, Cốc Pàng, Khánh Xuân và Thị trấn. Trong đó, 2 năm 2014, 2015 nhân rộng thêm được 48,35 ha. Hiện có khoảng 50 ha dâu đang cho thu hoạch, sản lượng hàng năm thu được khoảng 40 tấn kén, với giá nếu thấp cũng được 120 nghìn đồng/kg kén, trừ chi phí nông dân thu về trên 4 tỷ đồng.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc kiểm tra mô hình nuôi tằm thử nghiệm tại gia đình ông Nguyễn Văn Thắng, xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba (Bảo Lạc). |
Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc Công Văn Hưu khẳng định: Kết quả đạt được minh chứng cho kết quả hợp tác về trồng dâu, nuôi tằm giữa Bảo Lạc và Nà Po nói riêng và tỉnh Cao Bằng với Bách Sắc - Quảng Tây nói chung. Trong thời gian tới với các tiềm năng về đất đai, khí hậu, vị trí địa lý, Bảo Lạc dự kiến chỉ đạo mở rộng diện tích khoảng 100 ha. Trên cơ sở tiếp tục phát huy những thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, mở rộng quy mô hợp tác, huyện mong tỉnh có ý kiến với Chính phủ huyện Nà Po (Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc) tạo điều kiện cho việc tiêu thụ sản phẩm qua đường chính ngạch để nông dân Bảo Lạc yên tâm trồng dâu, nuôi tằm; chuyển giao kỹ thuật gây con giống tằm để nông dân chủ động được nguồn giống.
Báo Cao Bằng