Đổi thay nhờ nguồn vốn Nghị quyết 30a

Đổi thay nhờ nguồn vốn Nghị quyết 30a
Nhân dân xóm Nà Lìn, xã Vị Quang (huyện Thông Nông) đóng góp công sức, hiến đất làm đường vào xóm. Nguồn ảnh: Báo Cao Bằng
Nhân dân xóm Nà Lìn, xã Vị Quang (huyện Thông Nông) đóng góp công sức, hiến đất làm đường vào xóm. Nguồn ảnh: Báo Cao Bằng

Cần Nông là xã biên giới của huyện nghèo Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi định cư sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Nùng. Năm 2008, khi mới thành lập xã, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Nhờ thực hiện hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết 30a của Chính phủ, người dân đã có cuộc sống khá hơn, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh xuống còn 40%.
 
Ông Lương Văn Hiện - Phó Chủ tịch UBND xã Cần Nông cho biết, từ nguồn vốn 30a của Chính phủ, địa phương đã triển khai hỗ trợ người dân về giống cây trồng (đỗ tương, lạc, ngô lai), phân bón và vật nuôi…Bước đầu các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết 30a đã hỗ trợ xây dựng các công trình cơ bản như, trạm y tế xã, trường trung học cơ sở bán trú, đường giao thông…làm cho diện mạo nông thôn ở Cần Nông thay đổi rõ rệt. 

Theo chân các cán bộ xã Cần Yên, huyện Thông Nông chúng tôi đến xóm Nà Tềnh - nơi có hơn 40 hộ dân tộc Dao sinh sống. Nà Tềnh nằm sát đường biên giới có địa hình đồi núi, do vậy người dân tập trung chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

Trưởng xóm Nà Tềnh Triệu Văn Dắt cho biết, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, các hộ dân trong xóm đều được hỗ trợ giống cây trồng, phân bón để canh tác. Đặc biệt, các hộ dân đều được hỗ trợ dê hoặc bò sinh sản. Đến nay, nhiều hộ đã phát triển đàn dê, bò lên tới hàng chục con, đời sống của người dân đã khấm khá lên. 

Chủ tịch UBND huyện Thông Nông Nguyễn Ngọc Định cho biết, việc đưa giống mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ sự hỗ trợ của nguồn vốn 30a của Chính phủ đã từng bước thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ của người dân vùng cao, đời sống nhân dân đã được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 69,64% năm 2011, xuống còn 39,38% năm 2015. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển; từng bước nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần của người dân, tạo sự tin tưởng gắn bó của nhân dân đối với Đảng và chính quyền các cấp. 

Đánh giá của Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng cho thấy, các huyện nghèo hưởng thụ Nghị quyết 30a như Hạ Lang, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm cũng đã chủ động, triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết. Tại các địa phương, nhiều mô hình đã được thực hiện thành công như, trồng mía xuất khẩu, nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn đen, trồng cây hồi, quế... Đời sống của nhân dân tại các huyện nghèo đã được cải thiện, số lượng người dân tham gia các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, văn hoá tăng lên so với giai đoạn trước. 

Sau gần 7 năm Cao Bằng triển khai thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết 30a, thu nhập bình quân tại các huyện nghèo đã tăng lên 12 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của 5 huyện nghèo giảm từ 61,25% năm 2011 xuống còn 25,74% năm 2015 (bình quân giảm 7,1%/năm). Nghị quyết 30a đã và đang tạo ra những đổi thay tích cực, góp phần nâng cao đời sống, cải thiện kinh tế cho người dân vùng cao của tỉnh Cao Bằng.

Có thể bạn quan tâm