Đời sống mới của người Dao dưới chân núi Đù

Cây chè Shan tuyết hơn 20 năm tuổi trên núi Đù. Ảnh: baophutho.vn
Cây chè Shan tuyết hơn 20 năm tuổi trên núi Đù. Ảnh: baophutho.vn

Núi Đù cao gần 900 m so với mặt nước biển, là một trong những ngọn núi cao, hùng vĩ và hiểm trở nhất của huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Vùng núi non, thung lũng xung quanh núi Đù là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào người Mường, người Dao. Trong đó, khu 10 xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, là bản của người dân tộc Dao từ trên những dãy núi cao của xã Trung Sơn (huyện Yên Lập) về định cư từ năm 1955.

Đời sống mới của người Dao dưới chân núi Đù ảnh 1Cây chè Shan tuyết hơn 20 năm tuổi trên núi Đù. Ảnh: baophutho.vn

Hàng trăm năm trước, người Dao đã ở rải rác bên những triền núi cao của dãy núi Đù, núi Tổng Nhất, núi Tranh Yên... chạy dài từ xã Thượng Long sang các xã Trung Sơn, Xuân An, Xuân Viên, Xuân Thủy... Đến đầu những năm 50 của thế kỷ trước, sau cuộc vận động “hạ sơn” của Đảng và Nhà nước, người Dao từ trên núi cao về các xã Nga Hoàng, Thượng Long, Xuân Thủy... lập làng, lập bản. Từ đây, họ đã thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ phá rừng làm rẫy sang trồng, bảo vệ rừng, biết trồng lúa nước và định canh, định cư. Từ 7 hộ ban đầu thuộc 3 dòng họ Dương, Phùng, Triệu, đến nay khu 10 xã Xuân Thủy (nơi bà con vẫn gọi là bản Dao núi Đù) đã có 84 hộ, 370 khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Dao.

Đồng chí Triệu Tài Quý, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng khu 10, xã Xuân Thủy, cho biết, mặc dù đã "hạ sơn" nhưng người Dao vẫn cư trú theo những thôn bản riêng biệt, không có người khác tộc cùng sinh sống, nhằm giữ gìn phong tục tập quán, những nét văn hóa độc đáo riêng của mình. Đến nay, người Dao núi Đù vẫn còn lưu truyền rất nhiều lễ hội truyền thống mang bản sắc riêng của dân tộc mình. Đặc biệt, trong mỗi lễ hội như: Tết Nhảy, Lễ cấp sắc… không thể thiếu các bài cúng, các điệu dân ca, dân vũ. Trong đó, riêng “Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt xã Xuân Thủy” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nhớ lần đầu về bản Dao núi Đù cách đây 5 năm, con đường dẫn về bản lởm chởm đất, đá, mùa mưa lầy lội. Đến con suối đầu bản, người già, trẻ em đều dừng lại rửa chân, tay, mặt mũi và chuyển từ nói tiếng phổ thông sang nói tiếng dân tộc Dao. Mỗi tháng đôi lần, già làng lại tổ chức lớp dạy viết, đọc chữ Nôm Dao cho các thành viên của bản.

Quả thật, hiếm có nơi nào dù hạ tầng thiếu thốn, giao thông cách trở, nhưng người dân đã tự lực vượt qua khó khăn, đồng lòng thực hiện xóa đói giảm nghèo, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông, xây dựng bản làng văn hóa như nơi đây.

Về bản Dao vào những ngày tháng ba này, những con đường đất đã được mở rộng và đổ bê tông chạy khắp bản, ô tô gầm thấp ra, vào thoải mái. Nhà văn hóa khu được Nhà nước hỗ trợ xây dựng năm 2019; nay được người dân hiến đất, góp công, góp của, mở rộng khuôn viên, xây dựng khán đài ngoài trời làm nơi tổ chức các hoạt động tập thể và lễ hội cộng đồng của dân tộc Dao. Đến nay, tuy cả bản vẫn còn nhiều hộ nghèo theo tiêu chí mới, nhưng đời sống người dân cơ bản đã khấm khá hơn, không còn nhà nào thiếu ăn, đứt bữa.

Được sự hỗ trợ từ chính quyền, các ngành, đoàn thể, người dân bản Dao thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng; đặc biệt là được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.

Có vốn hỗ trợ của ngân hàng, hàng chục hộ dân bản Dao đã đầu tư trồng quế, trồng cây ăn quả, nuôi lợn, trâu, bò thương phẩm thành công.

Hiện nay, cả bản hầu như nhà nào cũng tham gia trồng quế, trong đó nhiều hộ có từ 2 - 3 ha cho thu khoảng 200 triệu đồng/năm, tiêu biểu như hộ ông Dương Đức Toàn, ông Dương Trung Hưng, ông Triệu Như Xuân… Riêng hộ ông Triệu Văn Đức, ngoài trồng quế còn tham gia trồng, chăm sóc, bảo tồn và phát triển thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên trên đỉnh núi Đù…

Cuối năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số thanh niên của bản đi làm ăn xa đã quyết định trở về quê hương đầu tư trồng bưởi, tạo hình quả bưởi theo dáng: Đĩnh vàng, hồ lô và in chữ Phúc, Lộc, Thọ... mở ra hướng đi mới trong việc đa dạng các loại hình sản phẩm, gia tăng giá trị nông sản trên thị trường.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Xuân Thủy là một trong những xã điểm của huyện Yên Lập, nên đồng bào bản Dao núi Đù đã được quan tâm hơn nhiều, đặc biệt là các chính sách cho đồng bào nghèo. Nhiều cách làm, phương thức sản xuất mới đã được thử nghiệm trên đồng, đồi, rừng bản Dao.

Theo lời Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư Triệu Tài Quý, bản Dao núi Đù vẫn còn nhiều khó khăn do đất canh tác ít, một số người còn chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; một số ít vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Quý, để bản Dao vươn lên, việc cần làm ngay chính là phát triển kinh tế địa phương gắn với khôi phục, gìn giữ những nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Dao núi Đù. Sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và cộng đồng người Dao, đội văn nghệ diễn xướng dân gian bản Dao núi Đù đã được thành lập, duy trì, phát triển, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, Ngày hội văn hóa các dân tộc của huyện, của tỉnh và khu vực các tỉnh Tây Bắc.

Năm 2019, “Lễ cấp sắc của người Dao quần chẹt xã Xuân Thủy” cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn mười người ở bản còn nhớ được mặt con chữ cổ của người Dao. Để lưu giữ lại, ngoài khuyến khích người dân tự truyền và học chữ cổ, tạo điều kiện cho một số người hiểu biết về vốn cổ của dân tộc Dao được tham gia giao lưu, trao đổi, học hỏi cách gìn giữ, truyền dạy chữ cổ thông qua các buổi Lễ cấp sắc, tết nhảy… của cộng đồng dân tộc Dao trong và ngoài huyện. Ông Quý cùng già làng và một số thầy mo, thầy cúng thường phải chép lại những bài cúng, vừa để lưu giữ những bài cúng do tổ tiên để lại, vừa giữ con chữ cho các thế hệ sau.

Ở một khía cạnh khác, ông Dương Đức Toàn, già làng bản Dao núi Đù cho biết, ở nhiều lễ hội xưa, mỗi khi làng, bản có việc, không chỉ bà con trong bản mà cộng đồng người Dao trong khu vực đều háo hức tham gia, thậm chí góp thêm nhiều lễ vật để chung vui. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều tập tục đang bị phai nhạt, có nguy cơ bị quên lãng.

Ông Toàn lấy ví dụ, trước kia mỗi lần tổ chức Lễ cấp sắc hay Tết Nhảy, cả bản từ già đến trẻ đều háo hức tham gia, giờ chỉ còn một số thành viên cao niên trong bản tham gia với thời gian được co lại còn 2 ngày, 2 đêm. Những điệu múa trong các lễ hội cũng bị rút ngắn thời gian, có khi chỉ còn 1-2 giờ đồng hồ.

Đáng tiếc hơn, nhiều thanh niên người Dao hiện không biết tự thêu, khâu vá quần áo và mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếu không được phục dựng, bảo tồn, đây sẽ là một thiệt thòi cho người Dao nói riêng, cũng như giảm giá trị trong chiến lược phát triển du lịch của huyện Yên Lập.

“Chúng tôi vẫn răn dạy tụi trẻ, dù đi đâu, làm gì, không bao giờ được quên gốc gác mình là người Dao quần chẹt. Trong khi đó, tiếng nói, làn điệu múa, hát, trang phục dần bị mai một; người cao niên trong làng dần dần về với tiên tổ. Chính vì thế, việc sớm triển khai Đề án bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Dao huyện Yên Lập nói chung, phát triển bản Dao núi Đù thành bản du lịch cộng đồng, khám phá cảnh quan núi Đù và đời sống, văn hóa dân tộc Dao nói riêng, cũng là một hướng đi cần nghiên cứu”, Bí thư Chi bộ bản Dao Triệu Tài Quý nhấn mạnh.

Xác định di sản văn hóa truyền thống người Dao nói chung và người Dao Quần Chẹt ở Yên Lập nói riêng là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông ta để lại, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Yên Lập đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Dao. Đây được coi là phương tiện để giới thiệu, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Yên Lập cho các du khách trong, ngoài nước, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện miền núi Yên Lập.

UBND huyện Yên Lập cũng đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học “Điều tra, sưu tầm, hệ thống hóa và phục dựng một số di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu người Dao Quần Chẹt trên địa bàn huyện Yên Lập”. Trong đó, huyện đã lựa chọn, phục dựng một số di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Dao như: Múa chuông, múa rùa, Lễ cấp sắc, Tết Nhảy, Lễ cúng Bàn Vương, Lễ cúng mộ tổ người Dao… Đặc biệt, “Lễ cấp sắc của người Dao Quần chẹt xã Xuân Thủy” và “Tết Nhảy của người Dao Quần chẹt xã Nga Hoàng” đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Để gìn giữ, lưu truyền những nghi thức, nghi lễ diễn xướng dân gian độc đáo, đặc sắc của đồng bào Dao…, huyện Yên Lập cũng đang lên kế hoạch tổ chức các lớp dạy chữ cổ người Dao cho lứa tuổi thanh, thiếu niên. Đồng thời, huyện cũng đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể để gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Dao với phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn, trong đó có bản Dao núi Đù.

Trung Kiên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm