Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các văn bản về khoa học công nghệ, quan tâm hệ sinh thái khởi nghiệp. Các hoạt động khoa học và công nghệ đã thực sự hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Trần Xuân Tình - TTXVN |
Từ nhận định nói trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn đổi mới sáng tạo, lựa chọn những việc làm dài hạn, trong đó có việc thực hiện thí điểm chính sách phát triển khoa học công nghệ.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm khoa học công nghệ, là động lực để phát triển kinh tế của cả nước. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp thu các kiến nghị của UBND thành phố để chỉnh sửa công tác quản lý về khoa học công nghệ.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố là thị trường cho đổi mới sáng tạo, trong đó ưu tiên các giải pháp công nghệ. Trong các dự án đầu tư công, thành phố luôn khuyến khích chủ đầu tư ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước qua hình thức đấu thầu.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan xem xét, sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường, viện trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và thương mại hóa.
Trong đó, cần có cơ chế tài trợ cho các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ với mục tiêu mang tính dài hạn, cũng như xem xét lại quy định về giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và cơ chế thu hồi kinh phí theo hướng thông thoáng hơn.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN |
Giai đoạn 2016 - 2018, thành phố đã thực hiện 329 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tập trung phục vụ các ngành, lĩnh vực như cơ khí - tự động hóa, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, hóa dược, công nghệ thực phẩm, vật liệu mới, quản lý và phát triển đô thị…
Trong đó, 61,9% nghiên cứu hướng đến tạo sản phẩm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Doanh thu sản phẩm phát triển từ kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ đạt hơn 78 tỷ đồng. Một số sản phẩm đã thương mại hóa như dây chuyền tự động dập nắp nhựa, máy ép viên nhiên liệu Pellet BP - 600, hệ thống băng tải đai tự động vận chuyển bao gói…
Ngoài ra, thành phố cũng đã ban hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 - 2020 với nội dung trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao, đổi mới công nghệ và sản phẩm, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc các ngành trọng yếu được tham gia chương trình vay kích cầu đầu tư để đổi mới công nghệ.
Đến nay, thành phố đã hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm cho 179 dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và quản lý năng lượng./.
Trần Xuân Tình
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN