Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà (Điện Biên) là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Điện Biên. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN |
Đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức, nhằm mở rộng không gian Lễ hội hoa Ban, tạo nhiều trải nghiệm đối với du khách và đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Biểu diễn các điệu múa khèn trong sự kiện "Phiên chợ vùng cao". Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN |
Theo ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên: “Phiên chợ vùng cao” nhằm giới thiệu, quảng bá nét sinh hoạt cộng động trong các chợ phiên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng và nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng cao phía Bắc nói chung; giới thiệu các đặc trưng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán và các sản phẩm, đặc sản đặc trưng tỉnh Điện Biên. Đồng thời, tạo cơ hội cho các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm nông nghiệp, thủ công tiêu biểu, những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; Giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành nhằm xây dựng và phát triển các chương trình du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa tới Điện Biên.
Nghệ nhân Hậu Khoái Chính (65 tuổi, bên phải) và em Giàng A Páng đang chế tác khèn Mông. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN |
Không gian chế tác khèn Mông luôn thu hút nhiều du khách đến tìm hiểu, trải nghiệm. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN |
“Phiên chợ cùng cao” đã thu hút gần 50 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh với gần 70 gian hàng tham gia. Phiên chợ đã khai thác cảnh đẹp vườn cây hoa Ban trong khuôn viên Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chia làm 5 khu vực chính: Khu vực ẩm thực truyền thống; Khu vực trưng bày, bán các sản phẩm nông nghiệp; Khu vực trình diễn, giới thiệu và bán sản phẩm thủ công truyền thống; Khu vực giới thiệu, trình diễn văn hóa, văn nghệ, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc; Khu vực tổ chức trò chơi dân gian. Tất cả được trang trí, sắp xếp bằng các tiểu cảnh chợ phiên, cổng được dựng và trang trí bằng các họa tiết dân gian gắn với các dân tộc vùng cao, tạo ấn tượng đẹp và thu hút đông đảo người dân và du khách đến xem.
Phụ nữ dân tộc Thái ở Tây Bắc trong trang phục truyền thống (váy, áo cóm, tằng cẩu) đang thêu thùa, may vá thổ cẩm. Ảnh: Xuân Tiến – TTXVN |
Đến với “Phiên chợ vùng cao” du khách sẽ được thưởng thức các món thắng cố, xôi nếp nương, thịt nướng, cá nướng, bánh dày...; đắm mình trong các nghi thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các làn điệu dân ca dân vũ các dân tộc và hòa mình trong không gian lễ hội với các trò chơi dân gian hoạt náo và có tính cố kết cộng đồng cao như: Tung còn, tù lu, giã bánh dày, cà kheo, kéo co, gánh nước. Đặc biệt, tại đây du khách cũng nhận diện được các sản phẩm thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ, mây tre đan, rèn và công cụ sản xuất nông nghiệp đặc trưng của tỉnh như các loại gạo, dứa, Cà phê, Chè Shan Tuyết, Rượu Sơn Tra …
Sức hút và tạo nên giá trị của trang phục truyền thống phụ nữ Thái là ở sắc màu bắt mắt, các họa tiết, hoa văn được thêu thùa khéo léo dưới bàn tay và óc thẩm mỹ của người phụ nữ Thái. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN |
Để tạo điều kiện tốt nhất cho du khách đến “Phiên chợ vùng cao”, ngành Du lịch tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự; tổ chức phân luồng giao thông; bảo công tác vệ sinh môi trường tại khu vực tổ chức phiên chợ; trưng bày ảnh khổ lớn về các điểm du lịch, di tích lịch sử, danh thắng, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, đặc trưng về địa phương dọc tuyến đường từ cầu Mường Thanh dẫn vào khu vực tổ chức sự kiện để tuyên truyền, quảng bá tại phiên chợ. Đồng thời phối hợp với các nhà mạng cung cấp, hỗ trợ mạng wifi miễn phí phục vụ nhân dân và khách du lịch tại khu vực tổ chức sự kiện.
Các hoạt động trong “Phiên chợ vùng cao” sẽ diễn ra liên tục trong suốt quá trình tổ chức Lễ hội hoa Ban năm 2019, kết thúc vào ngày 18/3.
Xuân Tiến- Văn Dũng- Tuấn Anh