Đình làng Đà Nẵng – nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc (Bài cuối)

Đình làng Đà Nẵng – nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc (Bài cuối)

Bài 3 (Bài cuối): Phát huy giá trị di tích trong tình hình mới

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người Đà Nẵng với tư cách là nguồn lực quan trọng, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển thành phố. Hiện nay, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Phát huy giá trị di tích văn hóa

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, định kỳ 3 đến 5 năm/lần Bảo tàng phối hợp với các Ban quản lý/Tổ bảo vệ di tích, Phòng Văn hóa thể thao các quận, huyện để tiến hành tổng kiểm kê các di tích trên địa bàn các quận, huyện, phường, xã. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố, 39 di tích nằm trong danh mục kiểm kê và gần 100 công trình văn hóa có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học.

Đình làng Đà Nẵng – nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc (Bài cuối) ảnh 1 Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Phạm Tấn Xử phát biểu chúc mừng nhân dân làng Cổ Mân đã hoàn thành trùng tu đình làng trước dịp đón Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện khẳng định, việc xếp hạng di tích là hoạt động quan trọng giúp cơ quan quản lý, cộng đồng biết được giá trị của di tích, qua đó nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại làm ảnh hưởng đến di tích, ngăn chặn và khắc phục tình trạng lợi dụng nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín, dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật. Cơ quan chức năng kịp thời xử lý triệt để các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng xâm hại di tích, góp phần gìn giữ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Công trình tiêu biểu đình làng Đà Nẵng mang giá trị ở loại hình "Lịch sử và kiến trúc nghệ thuật" là đình và nhà thờ chư phái tộc Hải Châu được xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào tháng 7/2001, tọa lạc tại phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Đây là một trong những làng xã được xây dựng sớm nhất ở Đà Nẵng có không gian hài hòa, quy mô, kiến trúc đẹp với quần thể các di tích gồm nhà thờ Tiền hiền, nhà thờ các chư phái tộc và miếu Bà. Đình còn lưu giữ được nhiều hoành phi, liễn đối bằng chữ Hán, sơn son thếp vàng, có niên đại hàng mấy trăm năm cùng một số di vật quý như chuông đồng, bia ký có giá trị rất lớn về lịch sử và văn hóa. Hiện nay, đình và nhà thờ có 42 chư phái tộc và vẫn giữ nguyên được giá trị về ý nghĩa, bề dày lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng từ xưa đến nay. Đây cũng là điểm đến thu hút sự quan tâm của người dân và du khách khi đến tham quan thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với không gian di tích được quan tâm gìn giữ. Hằng năm, các địa phương có di tích thường xuyên tổ chức hoạt động lễ hội truyền thống, thực hành tín ngưỡng văn minh, trang trọng đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân. Từ đó tạo nên những giá trị gắn kết cộng đồng, hun đúc thuần phong mỹ tục, tạo ra lối sống, lối ứng xử hòa nhã, nặng tình giữa người với người như: Lễ hội đình làng Túy Loan, đình làng Bồ Bản, lễ kỵ tiền hiền làng An Hải và lễ kỷ niệm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu…

Đình làng Đà Nẵng – nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc (Bài cuối) ảnh 2 Lăng ngư ông Tân Thái vừa được trùng tu hoàn thành đầu năm 2022. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Hoạt động hướng dẫn tham quan tại các di tích cũng được quan tâm, giúp cho người tham quan trực tiếp chiêm nghiệm, vừa tiếp nhận thông tin một cách chính xác về lịch sử văn hóa, giá trị của di sản. Phát huy giá trị di sản văn hóa trong các phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tổ chức tham quan, nghiên cứu, học tập, sinh hoạt truyền thống về các nhân vật, sự kiện lịch sử. Đặc biệt, thi tìm hiểu về di sản văn hóa Đà Nẵng cho nhiều đối tượng thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Gắn bảo tồn với phát triển, khôi phục du lịch

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện chia sẻ, các đình làng sau khi được trùng tu đã gắn với các thiết chế văn hóa ở địa phương. Đây không chỉ là nơi thờ cúng, thực hành tín ngưỡng, mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các lễ hội hay sự kiện quan trọng của địa phương. Những hoạt động này góp phần để đình làng thực sự có vai trò, giá trị với cộng đồng dân cư, qua đó sẽ phát huy tối đa vai trò làm chủ, nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đây cũng sẽ là hướng đi và định hướng cho thời gian sắp tới nhằm hướng đến việc “bảo tồn và phát triển bền vững” phục hồi lại các hoạt động văn hóa xã hội khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát và kết hợp với quảng bá du lịch thành phố trong tình hình mới.

Đình làng Đà Nẵng – nơi lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc (Bài cuối) ảnh 3 Đình làng Cổ Mân quận Sơn Trà vừa được trùng tu hoàn thành đầu năm 2022. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã đầu tư tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, phát huy nét văn hóa đặc trưng, truyền thống địa phương, khai thác tốt các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch. Một số di tích đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách, là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Tiêu biểu, năm 2019, danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón được hơn 2 triệu lượt khách tham quan, doanh thu hơn 83 tỷ đồng; di tích Thành Điện Hải - Bảo tàng Đà Nẵng đạt hơn 330.000 lượt khách tham quan...

Các quận, huyện trên địa bàn cũng đã chủ động triển khai xây dựng các đề án phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch như “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị đình Lỗ Giáng” của UBND quận Cẩm Lệ, “Đề án du lịch cộng đồng Nam Ô” của UBND quận Liên Chiểu. Đưa vào khai thác các chương trình nghệ thuật truyền thống như “Hồn Việt”, “Tuồng xuống phố”, “Sân khấu Bài Chòi”... để phục vụ người dân và du khách.

Thành phố cũng hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống tại Đà Nẵng. Đặc biệt, Đà Nẵng đã từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý và phát huy giá trị di tích. Có thể kể đến dự án số hóa 2D, 3D các di tích để giới thiệu cho du khách trên bản đồ số di sản văn hóa nhằm thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong tình hình dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho thành phố, trong đó có ngành văn hóa, thể thao. Nhưng ngành đã có nỗ lực, sáng tạo để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, nhiều hoạt động nghệ thuật, giải thi đấu thể thao được tổ chức chu đáo, linh hoạt, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, qua đó đã góp phần quảng bá hình ảnh một thành phố năng động, an toàn, mến khách, hướng đến mục tiêu Đà Nẵng là thành phố của sự kiện và lễ hội…

Phó Chủ tịch Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, văn hóa và thể thao là một lĩnh vực rất rộng và ngày càng được quan tâm chú trọng, thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XXII của thành phố Đà Nẵng. Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua cũng đưa ra rất nhiều nội dung, định hướng để thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện trong việc quan tâm, đầu tư, phát triển ngành văn hóa, khẳng định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế xuyên suốt. Ngành văn hóa cần tiếp tục nỗ lực và có kế hoạch, biện pháp phù hợp, thích ứng, linh hoạt, hiệu quả để nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Những ngày đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các đình làng như Nam Ô, Cổ Mân, Mân Quang… vừa được hoàn thành trùng tu trong niềm vui của chính quyền và nhân dân thành phố. Ông Huỳnh Văn Mười, người dân ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, phấn khởi cho biết, các đình làng được trùng tu, sửa sang lại thật đẹp nhưng vẫn giữ được nét uy nghiêm, cổ kính của đình làng xưa. Tết này người dân lại được đến dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ các bậc tiền hiền, thành hoàng làng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, gắn kết người dân tại địa phương và góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trần Lê Lâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm