Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, phóng viên TTXVN tại Đà Nẵng đã tìm hiểu, thực hiện chùm 3 bài viết về "Đình làng Đà Nẵng – nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc". Chùm bài giới thiệu sự hình thành và phát triển của đình làng Đà Nẵng qua các thời kỳ, dấu ấn lịch sử, giá trị về kiến trúc văn hóa nghệ thuật của các đình làng và việc quản lý trùng tu, phục hồi các di tích văn hóa đình làng đang được chính quyền và người dân thành phố rất quan tâm.
Cùng với đó, chùm bài viết đề cập đến việc phát huy các giá trị của di tích trong tình hình mới, kết hợp khôi phục lại ngành du lịch của thành phố, qua đó góp phần khẳng định bản sắc văn hóa của mảnh đất và con người Đà Nẵng văn minh, hiện đại. Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung – Tây Nguyên và của cả nước.
Bài 1: Đình làng - sản phẩm của lịch sử, văn hóa
Hình ảnh cây đa, bến nước, ngôi đình đã đi vào tâm thức của các thế hệ người Việt Nam và lưu lại như một giá trị văn hóa không thể phai mờ. Trong đó, đình làng là một thiết chế văn hóa cổ truyền của người Việt; là nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, nơi dân làng gửi gắm niềm tin, ước vọng về một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai, thông qua các hình thức tín ngưỡng – lễ hội đầy màu sắc và thấm đẫm tính nhân văn.
Dấu ấn đình làng Đà Nẵng
Theo sử sách, khoảng nửa sau thế kỷ XV, cụ thể là đời Hồng Đức (1470-1497), đình làng mới được xây dựng phổ biến. Đây cũng là giai đoạn có sự chuyển biến mạnh mẽ, đình nhận thêm một chức năng mới, từ một ngôi nhà để dừng chân (đình trạm), sinh hoạt cộng đồng trở thành nơi thờ thần, trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng làng. Đình làng cũng là nơi lưu giữ các sắc phong - căn cứ xác tín để nghiên cứu quá trình thay đổi địa danh/địa giới hành chính của từng địa phương qua các thời kỳ lịch sử, bởi trong mỗi đạo sắc phong, niên đại ban sắc được ghi ở cuối văn bản gồm niên đại triều vua ban sắc, tháng ngày ban sắc rất chính xác.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, qua thống kê sơ bộ, thành phố Đà Nẵng hiện nay có khoảng 80 đình làng. Về niên đại, không thể xác định chính xác đình làng xuất hiện ở Đà Nẵng từ khi nào, những đình làng hiện còn lại ở Đà Nẵng đến nay có thể được xây dựng từ giữa thế kỉ XIX.
Thành phố Đà Nẵng có bốn ngôi đình được coi là có niên đại sớm nhất có từ thời Thiệu Trị (1841-1847) đến giữa thời Tự Đức (1848-1883) gồm, đình Phước Thuận, đình Dương Lâm, đình Bồ Bản (huyện Hòa Vang) và đình Phong Lệ Bắc (quận Cẩm Lệ). Tuy nhiên, chỉ có đình Phong Lệ Bắc được dựng vào tháng tư năm Ất Mão, Tự Đức thứ 8 (1855) và đình Dương Lâm dựng vào tháng bảy năm Bính Dần, Tự Đức thứ 19 (1866) là có những niên đại chính xác được ghi trên xà cò (nơi để khắc các niên đại xây dựng và sửa chữa đình). Đình Phước Thuận có niên đại năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) và đình Bồ Bản có niên đại năm Tự Đức thứ 5 (1852) được xác định theo các cứ liệu chữ khắc trên xà cò và văn bia kết hợp với khảo chứng từ những lưu truyền dân gian và quy mô, kiểu thức kiến trúc và điêu khắc trang trí.
Nhiều đình làng ở Đà Nẵng còn lưu giữ nhiều hoành phi, liễn đối có niên đại từ nửa đầu thế kỷ XIX như đình Hải Châu là bức hoành với bốn chữ Hán “Vạn cổ anh linh” tạo năm Gia Long thứ 17 (1818); đình làng An Hải có Bia Kỷ công xã An Hải (1853) và nhiều sắc phong của các vua Nguyễn từ Minh Mạng đến Bảo Đại như ở đình Túy Loan có sắc Minh Mạng thứ 7 (1826), đình Phú Hạ có sắc Minh Mạng thứ 3 (1822) và Đại La có sắc Minh Mạng thứ 2 (1821)…
Đặc sắc về kiến trúc văn hóa nghệ thuật
Trong tâm thức dân gian, thế đất, hướng đình luôn có ảnh hưởng to lớn đến sự suy thịnh, hưng vong của cuộc sống dân làng nơi trần thế. Đình có thế đất tốt, hướng đẹp thì sinh vượng khí, cuộc sống tốt tươi, trên dưới thuận hòa, học hành đỗ đạt; ngược lại thì dân làng phải hứng chịu tai ương, đôi khi suy mạt. Do đó, việc lựa chọn đất để xây dựng đình làng, đối với người dân là hết sức quan trọng.
Cộng đồng dân làng nơi xây dựng đình luôn tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc về dịch lý và thuật phong thủy. Dân làng phải tìm cho được những mảnh đất có thế rồng chầu hổ phục, có sông nước, núi đồi làm yếu tố “minh đường, hậu chẩm”, “thủy tụ, sơn triều” để cất đình.
Đa phần đình làng Đà Nẵng thường ở không gần khu dân sinh, có thế đất cao và thoáng. Đó có thể là những doi, cồn đất cao giữa cánh đồng ruộng thấp trũng như đình Lỗ Giáng, đình Tùng Lâm (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đình Phú Hòa (xã Hòa Nhơn), đình Bồ Bản (xã Hòa Phong) thuộc huyện Hòa Vang, đình Mân Quang (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn); hoặc trên những gò đồi ở vùng bán sơn địa như đình Khe Lâm, đình Xuân Lộc, đình Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang).
Đình làng Đà Nẵng gần như có đủ tám hướng (bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc và bốn hướng phụ Đông – Nam, Tây – Nam, Đông – Bắc và Tây Bắc). Phía trước đình thường có đầm, hồ, khúc sông và phổ biến hơn cả là đồng ruộng thấp trũng làm yếu tố minh đường, thủy tụ. Hiện nay, đình Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) là một trong những ngôi đình có cảnh quan đẹp, sông nước hữu tình, trên văn bia đình có ghi “Đây là nơi núi nước trùng điệp, rồng cọp vây quanh, là nơi đất thần kỳ…”.
Đình làng thường có kiến trúc cơ bản, được bố trí theo thứ tự gồm, cổng đình, tấm bình phong, sân đình và nơi tế tự, sinh hoạt nghi lễ để tạo chiều sâu không gian và tăng thêm vẻ uy nghiêm của chốn linh thiêng. Đình ở Đà Nẵng có 2 kiểu kiến trúc phổ biến là kiểu chữ “Nhất” và kiểu chữ “Đinh”. Định dạng chữ “Nhất” là ngôi đình chỉ có một nếp nhà nằm ngang; định dạng chữ “Đinh” thường được gọi là kiểu “chuôi vồ” – Chữ “T” lộn ngược. Kết cấu kiến trúc cổ truyền của đình làng Đà Nẵng là bộ khung nhà làm bằng gỗ mang dáng dấp của những ngôi nhà dân dụng xứ Quảng. Đây là những ngôi nhà rường ba gian hai chái hoặc một gian hai chái.
Ấn tượng lớn nhất trong nghệ thuật trang trí đình làng Đà Nẵng là ở không gian bên ngoài, trên hệ thống mái. Đứng từ xa, từ ngoài ngõ làng, chúng ta dễ dàng nhận ra các hình ảnh trang trí trên các mái đình. Đề tài trang trí vẫn là những hình ảnh của bộ tứ linh Long, Lân, Quy, Phụng quen thuộc như nhiều công trình tín ngưỡng dân gian khác của người Việt, song ở đây có số lượng nhiều và đặt ở nhiều vị trí khác nhau, cả ở tiền đường, chính điện và hậu tẩm.
Nghệ sỹ Nhân dân Huỳnh Văn Hùng chia sẻ, phần lớn đình làng ở xứ Quảng được hình thành cách đây khoảng 300 - 400 năm, do con cháu các tiên dân phía Bắc vào đây mở cõi, chung tay xây dựng. Khác với đình làng Bắc Bộ thường chỉ thờ một vị thành hoàng, đình làng xứ Quảng thờ một số, thậm chí thờ đến 42 vị tiền hiền như đình làng Hải Châu. Sở dĩ đình thờ nhiều vị tiền hiền như vậy là ngay từ thuở ban đầu, đất làng do nhiều người đến đây cùng nhau khai khẩn, dựng làng lập ấp.
Ông Huỳnh Văn Hùng cho hay, xứ Quảng là vùng đất mới. Các tiên dân khi đặt chân đến vùng đất này cảm thấy lạ lẫm, ban đầu không tránh khỏi cảm giác lo ngại, bởi lần đầu tiên họ tiếp xúc với điều kiện tự nhiên khác. Xã hội cũng khác, do tiền chủ đất này là do ngươi Chăm quản lý. Bản năng tự vệ và muốn nương tựa để tồn tại và phát triển đã khiến họ xích lại gần nhau, gắn bó với nhau trên vùng đất mới lạ này. Đó là lý do khiến các đình làng xứ Quảng thờ nhiều vị tiền hiền.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, đình làng Đà Nẵng là “sản phẩm của lịch sử - văn hóa” được kế thừa do người Việt mang theo trong quá trình Nam tiến. Do vậy, đình làng Đà Nẵng nằm trong bối cảnh lịch sử chung gắn với việc lập làng của người Việt ở Đà Nẵng. Thông qua đình làng, diễn tiến lịch sử của vùng đất phần nào được phác họa. Các sắc phong, địa bạ, hương ước… tại đình làng là một nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương nói riêng và lịch sử nói chung của cả nước. Bên cạnh đó, đình làng còn là biểu tượng văn hóa, là nơi hội tụ và phản chiếu thế giới quan và những giá trị văn hóa cổ truyền của người dân Đà Nẵng. (Xem tiếp Bài 2: Quản lý trùng tu và phục hồi di tích)
Trần Lê Lâm