Bài 2: Quản lý trùng tu và phục hồi di tích
Di sản văn hóa là kết tinh trí tuệ, tình cảm, truyền thống của các thế hệ. Mặc dù trải qua nhiều biến cố của lịch sử, bị mất mát, hủy hoại bởi chiến tranh và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng kho tàng di sản văn hóa của thành phố Đà Nẵng vẫn phong phú, đa dạng. Kho tàng này hiện vẫn tiếp tục được bảo tồn và phát huy giá trị vốn có trong đời sống đương đại.
Quản lý, phục hồi và trùng tu
Theo các nguồn tư liệu còn lưu lại, đến trước năm 1945, gần như các làng xã đều có đình làng, nhưng do thiên tai, lũ lụt, gió bão và đặc biệt là các cuộc chiến tranh tàn phá dữ dội, ở nhiều làng, người dân đã rất nhiều lần vất vả dựng lại ngôi đình. Bởi vậy, mới có chuyện lịch sử của làng thì đã hàng mấy thế kỷ, nhưng nhiều khi “tuổi” của đình thì chỉ khoảng mấy chục năm trở lại.
Trong số đình làng còn lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đến hết năm 2021, đã có 5 đình làng được xếp hạng di tích cấp quốc gia ở loại hình "Kiến trúc nghệ thuật" và "Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật" gồm: đình Túy Loan, đình Nại Nam, đình Bồ Bản, đình Thạc Gián, đình và Nhà thờ Chư phái tộc Hải Châu và 40 đình làng khác được xếp hạng di tích cấp thành phố. Hiện nay, ngành văn hóa đã thống kê, bảo quản được 263 sắc phong đang lưu giữ trong 22 đình làng và nhà thờ tộc trên địa bàn.
Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, trong 5 năm (từ 2016 - 2020), thành phố đã đầu tư trên 253 tỷ đồng để trùng tu 39 di tích được xếp hạng (trong đó có 26 đình làng). Về cơ bản, các đình làng xuống cấp đều được trùng tu, tôn tạo, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng công trình, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc về bảo tồn, không làm sai lệch biến dạng, giữ được các đặc trưng vốn có của kiến trúc đình làng truyền thống Đà Nẵng. Đa số các đình làng đều được trùng tu hoàn chỉnh, khang trang từ công trình ngoại vi đến công trình trung tâm, làm nổi bật lên được giá trị và tạo cảnh quan hài hòa cho di tích, như đình Xuân Thiều (Hòa Hiệp Nam), khu di tích lịch sử văn hóa đình Mân Quang (Thọ Quang), đình Phước Thuận (Phước Thuận)…
Năm 2021, thành phố đã khởi công trùng tu, tôn tạo các di tích: 7 di tích thuộc Cụm Nam Ô gồm: Di tích Miếu Bà Liễu Hạnh, Miếu bà Bô Bô, Đình làng Nam Ô, Lăng Ông, Miếu Âm linh và Giếng Lăng, Nghĩa trủng Nam Ô; Trùng tu di tích Đình Đà Sơn, Miếu Tam Vị, Đình Cổ Mân, Đình Mân Quang, Mộ Thống chế Lê Văn Hoan...
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Phạm Tấn Xử, việc quản lý, trùng tu và phục hồi, phát huy giá trị di tích văn hóa luôn được đặt lên hàng đầu. Ngành đã khảo sát thực địa, đánh giá hiện trạng, đo vẽ kỹ thuật hệ thống nhà cổ, di tích trên địa bàn thành phố; thống kê, sao chụp và số hóa toàn bộ các bản sắc phong ở các đình làng Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng điều tra, nghiên cứu khảo cổ học tại di chỉ khảo cổ; triển khai các phương án phòng, chống mối mọt, phong hóa, cháy nổ, trộm cắp tại các di tích; làm các bảng thông tin giới thiệu lịch sử, văn hóa cho một số di tích trên địa bàn. Sở cũng ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để phân công trách nhiệm cho các ngành trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích…
Giám đốc Phạm Tấn Xử cho hay, UBND Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 – 2025” nhằm hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo các di tích đã được xếp hạng, đảm bảo cảnh quan môi trường hài hòa, phục vụ phát huy giá trị di tích; quy hoạch lại các di tích tiêu biểu của thành phố. Đồng thời, thành phố thí điểm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho 5 di tích có khả năng phát triển du lịch để đáp ứng đủ điều kiện công nhận là điểm đến theo quy định của Luật Du lịch.
Giá trị di tích lịch sử, văn hóa
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều đình làng ở Đà Nẵng như Phong Lệ Bắc, Nại Nam, Nại Hiên Đông, Mỹ Khê... đã được lực lượng cách mạng địa phương lấy làm trạm giao liên, nơi hội họp tuyên truyền, vận động xây dựng lực lượng, thành lập chi bộ Đảng và kết nạp cho các đảng viên; làm bàn đạp để giành chính quyền, góp phần vào chiến thắng của dân tộc.
Tiêu biểu như đình làng Phong Lệ Bắc hiện nay tọa lạc tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Vào ngày 17/8/1945, các cán bộ cách mạng đã cùng nhân dân các thôn Phong Bắc, Yến Bắc, Cẩm Hòa tập trung tại đình với vũ khí trên tay đi khởi nghĩa. Tại đình đã ra mắt Ban vận động nhân dân cùng người dân để đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân, đảm bảo thời gian theo kế hoạch giành chính quyền của toàn huyện. Ngày 25/9/1946, tại đình này, chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Hòa Thọ được thành lập mang tên Chi bộ Nguyễn Chí Diểu do đồng chí Ngô Bắc Bộ làm Bí thư. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình Phong Lệ Bắc là nơi gặp gỡ, liên lạc giữa cán bộ nằm vùng với cơ sở cách mạng nòng cốt trong giai đoạn Mỹ - Ngụy tăng cường chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng”. Từ năm 1969 đến 1970 tại đình nhiều cuộc họp quan trọng đã diễn ra, kết nạp nhiều đảng viên ở Hòa Thọ, là nơi làm bàn đạp cho lực lượng cách mạng của địa phương tiến hành diệt ác phá kèm.
Cùng với các giá trị lịch sử, nhiều đình làng đang tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa như đình Túy Loan, đình Đại La, đình Đà Sơn, đình Dương Lâm…
Trong đó, Đình Túy Loan được xếp hạng là di tích cấp quốc gia vào tháng 1/1999 với loại hình "Kiến trúc nghệ thuật", tọa lạc tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Đây là ngôi đình cổ kính, trang nghiêm với không gian làng quê xưa có cây đa cổ thụ rợp mát, phía trước có bến nước với dòng sông uốn lượn, tạo nên một bãi đất bồi trồng cây xanh ngát. Đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý là các sắc phong và Bia ký. Theo nội dung văn bia và các bậc cao niên trong làng kể lại thì ngôi đình cùng nhà thờ ngũ tộc thôn Túy Loan do tiền hiền ngũ tộc Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê thừa lệnh vua Lê, niên hiệu Hồng Đức (1470) cùng vào Nam mở mang bờ cõi, khai cư lập ấp xây dựng. Đây được xem là vùng “đất lành chim đậu”, nhân dân các vùng khác tìm đến định cư, học cách làm ăn sinh sống. Hiện nay, làng Túy Loan có 35 tộc họ. Hàng năm vào ngày 9-10 tháng Giêng (âm lịch) các vị trưởng tộc, chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức lễ hội đình làng trang trọng nhất với các nghi lễ tế, dâng hương cho các vị thần và tiền hiền được thờ phụng trong đình làng. Phần hội gồm các trò chơi đậm tính dân gian như đua thuyền, đập niêu, bắt vịt và các quầy ẩm thực với sản vật truyền thống của địa phương…
Theo Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Hồ Tấn Tuấn (người có rất nhiều nghiên cứu, sưu tầm về đình làng Đà Nẵng), khi nói đến giá trị văn hóa truyền thống là nói đến những thành quả do cha ông ta đã dầy công xây đắp và phát triển trong quá khứ. Những thành quả đó giàu bản sắc, độc đáo, đặc trưng của văn hóa dân tộc và nét văn hóa đó thể hiện rõ ở các làng quê - nơi lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Ông Hồ Tấn Tuấn cho hay, việc tổ chức lễ hội ở đình làng không chỉ để tưởng niệm công đức, tri ân các vị tiền bối, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, mà còn mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Đình là nơi người dân thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giáo dục cho con cháu; tạo mối hòa hợp ngày càng gắn bó giữa các tộc phái trong làng; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, giữ gìn thuần phong mỹ tục, phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng tốt đẹp bền vững hơn. (Xem tiếp Bài cuối: Phát huy giá trị di tích trong tình hình mới)
Trần Lê Lâm