Định dạng bản sắc, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình (Bài cuối)

Định dạng bản sắc, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình (Bài cuối)

Bài 2 (Bài cuối): Phấn đấu trở thành trung tâm du lịch

Nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch, tỉnh Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về tiềm năng du lịch, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, mang thương hiệu "Ninh Bình - Tràng An". Đồng thời, công tác bảo tồn các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa gắn với bảo đảm tốt các vấn đề an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hướng tới du lịch bền vững, tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia và khu vực.

Định dạng bản sắc, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình (Bài cuối) ảnh 1Bức tranh "Lý ngư vọng nguyệt" trên cánh đồng lúa Tam Cốc, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Xây dựng điểm đến thân thiện, hấp dẫn nhất thế giới

Gắn bó với đôi mái chèo đã gần 20 năm tại Khu Du lịch sinh thái Tràng An, huyện Hoa Lư, chị Nguyễn Thị Tuyền đã tự trau dồi cho bản thân khá nhiều kiến thức về văn hóa, di sản trong suốt quá trình làm việc. Những kiến thức mà khi còn làm nông, chị gần như không có cơ hội để tiếp cận. Mỗi buổi sáng sớm, chị Tuyền tất bật chuẩn bị thuyền, kiểm tra lại các vật dụng cần thiết để đón khách chu đáo, an toàn. Cũng như bao người dân nơi đây, di sản, du lịch đã mang lại cho chị cuộc sống có công việc và mức thu nhập ổn định.

Chị Tuyền chia sẻ: Di sản mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn nên nghề lái đò đối với chúng tôi từ lâu không hẳn là "mưu sinh" mà đã trở thành niềm vui với mong muốn được đưa du khách cùng ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ của đất nước, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình đến với bạn bè trong và ngoài nước. Vì vậy, chúng tôi luôn trau dồi thêm những kiến thức về du lịch để giới thiệu tới du khách những nét nổi bật như: hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Đột, hang Đại, hang Nấu rượu, núi Đại Bàng, Yên Ngựa… trên hành trình khám phá Tràng An. Hy vọng sự thân thiện, hiếu khách của người dân Ninh Bình sẽ là điều mà du khách cảm nhận rõ rệt nhất khi đến tham quan nơi đây.

Định dạng bản sắc, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình (Bài cuối) ảnh 2Du khách đến tham quan Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Thùy Dung - TTXVN

Bà Hoàng Thị Thu Hường, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Tràng An cho biết, hiện khu du lịch đang tạo việc làm cho 1.300 lái đò với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, chủ yếu là phụ nữ. Việc đảm bảo sinh kế của người dân bản địa trong công tác phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, hoàn thiện hình ảnh khu du lịch trong mắt du khách. Khu Du lịch thường xuyên tổ chức những chương trình tập huấn thường kỳ về nghiệp vụ du lịch cho lái đò, đồng thời tạo giúp họ nhận thấy tầm quan trọng cũng như những hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội khi phát triển du lịch tại địa phương.

Theo Sở Du lịch tỉnh, liên tiếp các danh hiệu đến từ những tạp chí uy tín trên thế giới đã dành cho du lịch Ninh Bình. Tạp chí Forbes đã bình chọn Ninh Bình là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, là viên ngọc ẩn giấu của châu Á với phong cảnh đẹp như tranh cùng nền ẩm thực độc đáo. Traveller Review Awards 2023 bình chọn Ninh Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam giữ vị trí thứ 7 trong top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới... Qua đó đã khẳng định và nâng tầm thương hiệu, sức cạnh tranh của Ninh Bình trên bản đồ du lịch thế giới.

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Tấn cho rằng, thành công của mỗi điểm du lịch không chỉ đơn thuần là du khách được thỏa mãn thị hiếu tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của tự nhiên, con người và lịch sử mà còn được thỏa mãn về chất lượng phục vụ cũng như thái độ phục vụ, cách giao tiếp ứng xử… Chính vì sự đặc biệt nên văn hóa du lịch có vai trò quan trọng trong việc tạo nên ấn tượng, cảm xúc, thái độ của du khách đối với điểm du lịch. Có thể xem đây là sức mạnh mềm, quyết định chất lượng dịch vụ và thu hút du khách quay trở lại với điểm đến.

Trong bối cảnh ngành Du lịch bắt đầu có những bước phát triển, để định hình một hướng đi bền vững, lan tỏa vẻ đẹp của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư, ngành Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp như nghiên cứu áp dụng tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kiến thức du lịch, ngoại ngữ và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự cho cán bộ, nhân viên, cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch. Giai đoạn 2009 - 2021, ngành đã bồi dưỡng cho hơn 18.000 lượt người. Riêng trong năm 2022, Sở đã tổ chức trên 10 lớp bồi dưỡng cho các bộ phận, địa phương.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ, những giải pháp cụ thể về xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch. Trong đó, tỉnh chú trọng giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch... để mỗi người dân đều trở thành một sứ giả thiện chí. Có thể kể tới các Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch như Nghị quyết số 03-NQ/TU năm 2001 về phát triển du lịch đến 2010; Nghị quyết số 15-NQ/TU năm 2009 về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU năm 2016 về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Nghị quyết số 07-NQ/TU năm 2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa con người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững. Nhờ những quyết sách kịp thời, sự quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và ý thức khai thác du lịch bền vững của mỗi người dân địa phương, một hành trình rất dài trong việc tạo dựng thương hiệu đã bước đầu thành công.

Để thương hiệu du lịch Ninh Bình ngày càng vươn xa trên bản đồ trong nước và quốc tế, thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục khai thác và làm mới các sản phẩm du lịch chất lượng, có sức cạnh tranh và mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư. Các điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú và cả những khu dân cư phải luôn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp; con người luôn tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các di sản của cha ông. Đồng thời, chú trọng xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; mang sắc thái riêng của từng vùng quê,… Như thế, thương hiệu điểm đến thân thiện của Ninh Bình mới thực sự lan tỏa, bền vững và mang bản sắc riêng có trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

Xây dựng thành vùng trọng điểm du lịch quốc gia


Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, du lịch tỉnh Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu là quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về tiềm năng du lịch, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, mang thương hiệu “Ninh Bình - Tràng An”, gắn với công tác bảo tồn các giá trị tự nhiên, giá trị văn hóa và bảo đảm tốt các vấn đề an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hướng tới du lịch bền vững, tạo động lực để Ninh Bình phấn đấu thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Ninh Bình là nơi duy nhất ở Việt Nam sở hữu danh hiệu "kép" của UNESCO: Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Nhờ sở hữu những giá trị riêng có về địa lý, sinh thái và nhân văn, lại nằm ở vị trí yết hầu cực Nam khu vực miền Bắc, là điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp liên vùng giữa vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, rộng hơn là giữa các vùng cả nước, đã tạo cho Ninh Bình nguồn tài nguyên văn hóa, sinh thái phong phú, độc đáo và "gánh vác" những sứ mệnh lịch sử đặc biệt trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Cùng với những giá trị đã được UNESCO vinh danh, cư dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ đã sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với cốt cách riêng có đó là gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ cổ chí kim, từ truyền thống đến hiện đại.

Định dạng bản sắc, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình (Bài cuối) ảnh 3Cảnh quan thiên nhiên vô cùng đặc sắc tại Tràng An. Ảnh: Đức Phương – TTXVN

Nhận thức rõ những giá trị đó là nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững, cùng với tiến trình đổi mới của đất nước, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, với những quyết sách và bước đi đúng đắn, phù hợp, quyết tâm kiên định thực hiện những đột phá chiến lược theo hướng phát triển "xanh và bền vững", kinh tế tỉnh Ninh Bình những năm qua đã vươn lên, phát triển hài hòa trên 3 lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, nhất là ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ và đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ năm 2022, Ninh Bình đã trở thành tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương là 9%. Đặc biệt là đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản Thế giới, kết hợp hài hòa giữa việc gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế du lịch, đảm bảo lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Ninh Bình được Tổng Giám đốc UNESCO ghi nhận, đánh giá cao tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tổ chức tại tỉnh vào tháng 9/2022.

Theo Thượng tướng Bùi Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đến năm 2045, Ninh Bình phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong nhóm 10 điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, tỉnh Ninh Bình cần khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử vùng đất, con người Ninh Bình để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa. Trước mắt, địa phương cần ưu tiên, huy động các nguồn lực đầu tư khai thác và phát triển các công trình kiến trúc mang dấu ấn riêng phục vụ du lịch gắn với các tuyến, điểm du lịch, công viên văn hóa, khu dịch vụ văn hóa, xây dựng và tái hiện không gian phố cổ kết hợp với trung tâm mua sắm, chợ đêm….

Ninh Bình cần có những giải pháp hiệu quả, phù hợp nâng cao giá trị của Danh thắng Tràng An, đồng thời tỉnh còn có nhiều di tích và danh thắng có giá trị có thể lập hồ sơ đề cử di sản thế giới như Di tích núi Non Nước với hơn 40 bài thơ chữ Hán, chữ Nôm được khắc trên núi cần nghiên cứu, bảo tồn và lập hồ sơ đề cử di sản tư liệu của nhân loại; Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm và khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long có thể nghiên cứu, bảo tồn, lập hồ sơ, đề cử di sản thế giới với đầy đủ tiêu chí cần có của di sản.

Cùng với việc xây dựng và phát triển hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình cần tập trung các giải pháp hiệu quả xây dựng nét đẹp văn hóa, thanh lịch, thân thiện, mến khách của người dân Cố đô Hoa Lư, người dân của thành phố di sản trong tương lai; sớm và quyết liệt xây dựng chiến lược định vị thương hiệu, hình ảnh du lịch của tỉnh, nhận diện các giá trị cốt lõi của du lịch Ninh Bình đó là hình ảnh Cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, các sản phẩm du lịch cần tập trung đầu tư, phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù riêng có. (Hết)

Hải Yến

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm