Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022

Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022

Tối 9/4, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022. Dự lễ khai mạc có ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng hàng nghìn du khách thập phương.

Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022 ảnh 1Ông Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội ôn lại truyền thống vẻ vang đáng tự hào của Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Tại lễ khai mạc, ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Hoa Lư đã ôn lại truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của mảnh đất Cố đô lịch sử. Ninh Bình - vùng đất linh thiêng đầy huyền tích lịch sử xưa kia là kinh đô vang bóng trời Nam. Mỗi tấc đất, ngọn núi, dòng sông nơi đây đều gắn liền với lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, gắn liền với các bậc tiên đế, tiền nhân. Cách đây 1.054 năm, sau khi đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối, ngày 10 tháng 3 năm Mậu Thìn 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, định đô tại Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình - thành lập nên nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Kế tục sự nghiệp huy hoàng của nhà Đinh, vua Lê Đại Hành đã cùng quân và dân cả nước phá Tống, bình Chiêm, xây dựng Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh. Cũng tại mảnh đất linh thiêng này, mùa Thu năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ đã tuyên chiếu rời đô về Đại La tạo vận hội mới cho sức phát triển của đất nước vươn mình tựa thế rồng bay. Kinh đô Hoa Lư đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị khởi nguyên trong hành trình phục hưng dân tộc, là mạch nguồn hình thành kinh đô Thăng Long cùng sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật Lý - Trần trong lịch sử nghệ thuật văn hóa Việt Nam.

Hơn 1.000 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng giá trị văn hóa lịch sử của Kinh đô Hoa Lư vàng son một thủa vẫn còn vang vọng để hòa cùng nhịp sống tưng bừng, hối hả của lễ hội hôm nay. Các giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên tại địa phương luôn được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân, trở thành nguồn lực vô giá cho hôm nay và mai sau.

Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022 ảnh 2Vật dân tộc – một môn thể thao truyền thống tại Lễ hội Hoa Lư hàng năm. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Lễ hội Hoa Lư được khai mạc hàng năm là hoạt động văn hóa lâu đời, phản ánh đậm nét, sinh động về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Đinh Tiên Hoàng đế và lịch sử Việt Nam qua 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý. Lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân Cố đô Hoa Lư và nhân dân cả nước, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022 ảnh 3Một số nghi thức trong Phần lễ của Lễ hội Hoa Lư. Ảnh: Hải Yến - TTXVN

Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của cha ông, dưới ngọn cờ của Đảng, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có những bước phát triển toàn diện, đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đặc biệt về văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đang được bảo tồn, phát huy phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch trong nước và khu vực, để Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, xứng danh với bề dày lịch sử vùng đất kinh kỳ.

Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022 ảnh 4Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đánh trống khai hội. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Tại lễ khai mạc, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã đánh hồi trống khai hội trong không khí tưng bừng, phấn khởi.

Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2022 ảnh 5Một tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ khai mạc. Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Mặc dù Lễ hội Hoa Lư được tổ chức khai mạc vào buổi tối nhưng từ sáng 9/4, tại khu vực sân lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, thu hút sự tham gia của hàng nghìn du khách thập phương. Các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội được tổ chức đến hết ngày 10/4.

Đức Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm