Ngay sau khi nước ta giành được độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề "diệt giặc dốt", coi đây là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc bấy giờ. Huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái) với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, sau 75 năm thực hiện công cuộc "diệt giặc dốt" đã gặt hái được nhiều thành công, trình độ dân trí được nâng lên, kinh tế - xã hội phát triển, từng bước thay đổi bộ mặt vùng cao.
Do điều kiện đời sống khó khăn, từ một người không biết chữ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mở lớp xóa mù chữ, năm 1992, Chớ A Páo - một người con của xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu đã được tham gia học lớp xóa mù chữ ngay tại bản. Sau khi biết chữ, Páo xin tiếp tục đi học lên cao hơn. Theo đó, từ một người không biết chữ và trở thành người có học hành qua các trường lớp, Chớ A Páo đã được người dân tín nhiệm bầu giữ các chức vụ từ thôn, bản đến cấp ủy, chính quyền xã Xà Hồ. Đến nay, thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ của huyện Trạm Tấu, Chớ A Páo được phân công về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Bản Công. Theo Chớ A Páo, biết con chữ, biết đọc, biết viết như mở ra một chân trời mới với mỗi con người, có thể tiếp cận với tri thức của nhân loại để áp dụng vào cuộc sống.
Chớ A Páo chia sẻ, là một cán bộ trưởng thành từ lớp xóa mù chữ, đối với người Mông, việc xóa mù chữ cho đồng bào tại các thôn, bản là đặc biệt quan trọng. Có những người nhiệt tình, ham học, sau khi trải qua các lớp học xóa mù chữ có thể phấn đấu, trưởng thành làm người lãnh đạo địa phương. Chớ A Páo cho rằng, bằng sự cố gắng của mình, cùng sự học tập, nghiên cứu nghiêm túc, mọi người sẽ trưởng thành hơn rất nhiều. Chớ A Páo mong muốn trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước quan tâm, tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ cho người Mông để giúp người dân có thêm hiểu biết, nhận thức về xã hội.
Với bà Tráng Thị Di ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, mặc dù năm nay đã gần 70 tuổi nhưng còn khá minh mẫn, bà vẫn đọc và viết được chữ, điều này là khá hiếm so với những người cùng lứa tuổi bà ở địa phương. Với quyết tâm phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, bà đã khắc phục những khó khăn ở vùng cao để được học xóa mù chữ khi còn trẻ. Sau khi học được con chữ, bà tiếp cận, giao lưu nhiều hơn. Cùng với sự tín nhiệm của người dân, bà được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trạm Tấu đến nay đã gần 27 năm.
Bà Tráng Thị Di cho hay: “Học thì mới thêm hiểu biết, biết chữ thì họ nói mình mới nghe, mới ghi được. Trước đây nhà nước tuyên truyền về sinh đẻ kế hoạch, cách làm ăn nhưng do không biết chữ nên không hiểu, nay mình đã biết chữ nên việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho các hội viên phụ nữ của xã thuận lợi hơn rất nhiều”.
Với điều kiện vùng cao kinh tế khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống không tập trung, nhiều khi gây khó khăn cho công tác vận động người mù chữ tham gia các lớp học. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể, đặc biệt là sự tận tâm, khắc phục những khó khăn của đội ngũ các thầy, cô giáo đã tổ chức và thu hút được nhiều học viên đến với các lớp xóa mù.
Thầy Ngô Ngọc Năm, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu cho biết, là một giáo viên đã nhiều năm công tác trên vùng cao, thầy thường xuyên đi các thôn, bản để cùng với chính quyền địa phương vận động bà con tham gia các lớp xóa mù chữ. Ngoài ra, tranh thủ ngoài giờ lên lớp, thầy xuống gặp gỡ bà con để tìm hiểu, chia sẻ nỗi vất vả của bà con bằng cách hướng dẫn bà con những cách làm hiệu quả nhằm tăng năng suất trong việc chăn nuôi, trồng trọt cũng như nếp sống văn minh mới.
Công cuộc "diệt giặc dốt" tại Trạm Tấu trong những năm qua, được tổ chức thường xuyên, liên tục, nên hàng nghìn lớp xóa mù chữ mở ra, đã giúp cho hàng chục nghìn người biết chữ, nên nhiều hủ tục lạc hậu bị đẩy lùi. Từ xóa mù chữ, người dân đã được tiếp xúc với những tiến bộ của nhân loại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác góp phần nâng cao sản lượng trong chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, do biết chữ nên người dân còn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thông qua các lớp xóa mù chữ đã có nhiều lớp cán bộ được trưởng thành đóng góp vào công cuộc đổi mới ở huyện vùng cao Trạm Tấu. Tuy nhiên, có một thực tế tình trạng mù chữ, tái mù chữ vẫn còn. Theo báo cáo của huyện Trạm Tấu, năm 2016, tỷ lệ mù chữ mức độ 1 của dân số trong độ tuổi 15 – 25 là 4%, từ 15 - 35 tuổi là 11,5%, đến năm 2019, tỷ lệ này xuống còn 2,34% và 7,7%. Đây là lứa tuổi lao động chính, do vậy muốn nâng cao chất lượng lao động thì lứa tuổi này cần được tiếp tục quan tâm để xóa mù chữ.
Ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, tỷ lệ mù chữ ở độ tuổi 15-25 và 15-35 trên địa bàn huyện vẫn còn tỷ lệ nhất định. Huyện xác định đây là những đối tượng cần đặc biệt quan tâm trong thời gian tới, vì họ là lực lượng lao động chính của địa phương. Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục rà soát các trường hợp này để trên cơ sở đó tiếp tục mở các lớp xóa mù chữ, giảm thiểu tỷ lệ xóa mù chữ của địa phương, giúp các đối tượng lao động chính sẽ cập nhật được các kiến thức về khoa học kỹ thuật cũng như ứng dụng trực tiếp vào sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương.
Việt Dũng