Nghề trồng mía ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà từ lâu đã trở thành một phần quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, giống như nhiều khu vực khác, nghề trồng mía tại đây cũng đang đối mặt với thách thức, người nông dân chuyển dần sang các loại cây trồng khác, khiến diện tích trồng mía ngày càng thu hẹp.
Trước đây, đi dọc tuyến Tỉnh lộ 5 đoạn qua địa bàn các xã: Ninh Tân, Ninh Tây dễ dàng bắt gặp những cánh đồng mía xanh mướt, thì nay người dân đã chuyển đổi dần sang cây sắn, cây keo.
Theo ông Nguyễn Bá Thuật, cư dân thôn 1, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, gia đình ông đã trồng hơn 2 ha mía và dự kiến thu hoạch 110-120 tấn/ha. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho phân bón, nhân công và thuốc bảo vệ thực vật đều đã tăng lên. Vụ mía năm nay, nhà máy thu mua mía một cách nhanh chóng, nhưng năng suất mía thấp hơn các năm trước, chỉ đạt từ 50-60 tấn/ha so với mức 60-70 tấn/ha trước đó. Đồng thời, giá mía hiện nay chỉ từ 1-1,1 triệu đồng/tấn chữ đường 10 CCS, nên sau khi trừ đi các chi phí, nông dân gần như không còn lãi. Tổng chi phí đầu tư là 40 triệu đồng, nhưng khi bán mía ông chỉ thu về được 60 triệu đồng, chưa tính công sức của gia đình. Do không còn lợi nhuận, nhiều nông dân đã quyết định giảm diện tích trồng mía. Gia đình ông Thuật trước đây trồng 3 ha mía nhưng nay chỉ còn 2 ha.
Tương tự, ông Long, thôn Trung, xã Ninh Tân cho biết: Gia đình ông từng có từ 7-8 ha mía vào khoảng năm 1990. Tuy nhiên, do giá mía thấp và chi phí lao động cũng như phân bón tăng cao, họ không còn lãi và quyết định chuyển sang trồng cây khác như keo trong 5 năm gần đây.
Còn gia đình chị Lê Thị Vân, cư trú tại xóm Sông Búng, xã Ninh Tân, sau nhiều năm gắn bó với nghề trồng mía, đã từng bước chuyển hướng sang trồng cây sắn và cây keo. Chị Vân cho biết, 5 năm trước, gia đình chị quản lý 10 ha mía nhưng hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 1 ha. Nguyên nhân chính là do giá mía ở địa phương thấp hơn so với các tỉnh như Gia Lai và Thanh Hóa, phần lớn do cách thức tính giá mía dựa vào "chữ đường" của nhà máy. "Chữ đường" được các nhà máy đường sử dụng như một tiêu chí quan trọng để quyết định giá thu mua mía nguyên liệu; chữ đường càng cao, giá mua càng cao và ngược lại.
Điều này tạo ra bất lợi cho những người trồng mía ở khu vực có chất lượng mía không cao hoặc gặp khó khăn trong việc tưới tiêu do thiếu nước, dẫn đến năng suất và chất lượng mía giảm. Thêm vào đó, chi phí nhân công cao cũng là một trở ngại lớn, khiến cho việc trồng mía không còn mang lại lợi nhuận như trước. Điều này buộc gia đình chị Vân cũng như nhiều hộ dân khác, phải tìm kiếm những giải pháp thay thế như chuyển sang trồng cây sắn và cây keo, vốn có chi phí thấp hơn và dễ quản lý hơn trong điều kiện hiện tại.
Chị Vương Thị Thu Chung, Chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa chia sẻ, những năm gần đây, diện tích mía của địa phương giảm đáng kể do thời tiết nắng hạn, thiếu nguồn nước khiến năng suất mía giảm. Giá mía thấp cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến việc giảm diện tích trồng mía. Về vấn đề người dân không mặn mà với cây mía không chỉ là một thách thức đối với nông dân mà còn là một vấn đề cần sự quan tâm chính quyền địa phương và các nhà máy đường. Để vực dậy nghề trồng mía, cần phải có những biện pháp hỗ trợ nông dân giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm giải pháp tăng năng suất và chất lượng mía, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đánh giá thêm về tình trạng giảm diện tích mía, ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hoà chia sẻ, cây mía từ lâu đã là nguồn kinh tế chủ lực, góp phần quan trọng vào nền kinh tế địa phương. Trước đây, diện tích trồng mía đạt đến 3.000 ha, nhưng hiện nay đã giảm xuống còn 1.700 ha. Mặc dù một ha mía có thể mang lại lợi nhuận từ 10 đến 20 triệu đồng, nhưng chi phí đầu tư cao và giá nhân công lao động khiến cho thu nhập này vẫn còn khá thấp. Hiện nay, một số diện tích đất đã được chuyển đổi sang trồng cây keo và cây sắn. Người dân địa phương rất mong muốn sự ổn định của nghề trồng mía. Đối với họ, việc trồng mía không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn là nghề mía đã gắn bó lâu đời.
"Do đó, các công ty đường cần có chính sách và chiến lược tốt hơn để khuyến khích sự phát triển của ngành mía. Ngoài ra, người dân cũng đối mặt với nhiều khó khăn như việc tiếp cận nguồn nước, giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cao, cũng như sự khan hiếm của nhân công. Các công ty đường cần có một chính sách rõ ràng hơn để thúc đẩy phát triển cây mía, đặc biệt là trong việc đảm bảo giá cả công bằng và chính xác cho người trồng mía", ông Tịnh nói.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng kinh tế thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà cho biết, trên địa bàn thị xã có 2 đơn nhà máy đường là Công ty đường Ninh Hòa Biên Hòa và Công ty đường Cam Ranh. Hiện nay, năng suất mía khoảng 55 tấn/ha giảm hơn năm trước (57 tấn/ha).
Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật Khánh Hòa, Vụ mía năm nay 2023-2024 tỉnh ước có 7.641 ha, trong khi đó, trước đây là 9.114 ha mía. Hiện nay, mía đang trong thời gian thu hoạch, giá mía hiện nay khoảng 1.130.000 đồng/10 CCS. Năng suất mía năm nay đạt thấp hơn so với năm trước do tình hình thời tiết năm 2023 ảnh hưởng của El Nino, thời tiết nắng nóng, ít mưa, một số giống mía bị sâu đục thân như giống KK3,...
Đặng Anh Tuấn