Sửa điện theo công nghệ "sửa chữa điện nóng Hotline". Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN |
Đây là việc làm nhằm mở rộng diện cấp điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư ở khu vực nông thôn. Cụ thể trong 10 năm qua, EVN đã cung cấp điện phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt cho gần 2 triệu hộ dân nông thôn với tổng giá trị nguồn vốn vay ODA gần 2 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)... Bên cạnh đó, EVN đã và đang thực hiện nhiều dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới nhằm góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang với tổng kinh phí hơn 5.500 tỷ đồng để cấp điện lưới quốc gia cho 369 xã và gần 400.000 hộ dân nông thôn chưa có điện. Không chỉ có vậy, EVN còn tập trung dành nguồn vốn đầu tư hệ thống điện cung cấp cho các huyện đảo, xã đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và đặc biệt là góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo. Theo đó, EVN đã đầu tư cấp điện lưới quốc gia bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển ra các huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và các xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Tre (tỉnh Kiên Giang), Quan Lạn, Minh Châu, Cái Chiên, Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi (tỉnh Quảng Ninh), xã đảo Thạnh An (Tp. Hồ Chí Minh).... với tổng giá trị vốn đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng, cấp điện cho hơn 140.000 hộ dân trên các đảo. Cùng với việc đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện khu vực nông thôn, EVN cũng đẩy mạnh tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các Tổ chức quản lý điện địa phương không đủ năng lực quản lý để cung cấp điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn. Từ đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt chất lượng, an toàn, ổn định, để người dân mua điện theo giá bán điện do Chính phủ quy định và sử dụng các dịch vụ khách hàng do EVN cung cấp. EVN cho biết, tính đến cuối năm 2017, EVN đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến gần 6.000 xã, với hơn 6,2 triệu hộ dân và cải tạo lưới điện của các xã sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng. Song song với việc tiếp nhận quản lý bán điện trên đất liền, EVN đã tiếp nhận quản lý và bán điện tại 11/12 huyện đảo gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục 24/24h. Đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ cho người dân trên các đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh chính trị và xã hội. Theo EVN, từ khi tiếp nhận bán điện trực tiếp, Tập đoàn đã bù lỗ gần 1.500 tỷ đồng cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện Diesel tại chỗ có giá thành sản xuất điện cao hơn rất nhiều so với giá bán điện đến các hộ dân. Trên thực tế, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng cải tạo, nâng cấp hệ thống điện và quản lý cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam. Theo đó, nâng tỷ lệ số xã có điện từ 97%, số hộ dân có điện từ 93,4% năm 2007 lên tương ứng 99,98% số xã và 98,83% số hộ dân nông thôn có điện trong năm 2017. Với những kết quả đã đạt được trong 10 năm qua và hứa hẹn trong những năm tiếp theo, EVN sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng. Theo đó, không ngừng cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện đảm bảo đủ điện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân khu vực nông thôn trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Hoàng Dũng