Điện Biên thiếu nước ở các hồ chứa

Điện Biên thiếu nước ở các hồ chứa

Tỉnh Điện Biên có 13 hồ chứa nước dung tích lớn do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý Thủy nông Điện Biên quản lý. Thời gian qua, địa phương này liên tục hứng chịu nhiều đợt nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp dẫn đến tình trạng thiếu nước tại hầu hết các hồ chứa. Để ứng phó với tình trạng này, ngành chức năng đã thực hiện tích nước, tưới tiết kiệm, luân phiên để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho nông nghiệp. 

Điện Biên thiếu nước ở các hồ chứa ảnh 1Hồ Hồng Sạt có dung tích thiết kế 2,2 triệu m3 nhưng hiện nay lượng nước trong hồ chỉ đạt khoảng 1 triệu m3. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Hồ chứa nước Nậm Khẩu Hu thuộc xã Hua Thanh, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) có diện tích mặt hồ hơn 2km2. Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới tiêu cho gần 300 ha lúa 2 vụ khu vực hạ lưu, kết hợp phát điện, Nậm Khẩu Hu còn là hồ duy nhất phục vụ nước sinh hoạt cho khu vực thành phố Điện Biên Phủ và một phần của huyện Điện Biên.

Anh Đặng Văn Khánh, Cụm trưởng Cụm thủy nông Nậm Khẩu Hu, cho biết, hồ Nậm Khẩu Hu có dung tích thiết kế hơn 7,5 triệu m3 nước, nhưng hiện nay mực nước trong hồ chỉ đạt gần một nửa, thấp hơn 10 m so với cùng kỳ năm 2022. Do lượng mưa năm nay đo được tại khu vực hồ chứa chỉ đạt khoảng 37-40%.

Tương tự, hồ Hồng Sạt thuộc xã Sam Mứn, huyện Điện Biên là nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho một phần cánh đồng Mường Thanh, cụ thể là khu vực xã Pom Lót và Sam Mứn, khoảng hơn 120 ha. Theo dung tích thiết kế, hồ Hồng Sạt có dung tích 2,2 triệu m3, nhưng hiện tại lượng nước trong hồ chỉ đạt 1 triệu m3, mực nước giảm 5m so với cùng kỳ năm ngoái khiến cho việc cung cấp nước tưới tiêu gặp nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Cụm trưởng Cụm Thủy nông Hồng Sạt, cho biết, nước hồ Hồng Sạt hiện nay so với thiết kế đang thiếu 1,2 triệu m3. Đơn vị đã phải thực hiện tích nước từ sớm, tưới luân phiên, tiết kiệm tối đa để có thể đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.

Tình trạng thiếu nước đang diễn ra tại hầu hết 13 hồ chứa do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý Thủy nông Điện Biên quản lý. Đặc biệt như hồ Pá Khoang là hồ chứa có dung tích thiết kế lớn nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên với gần 41 triệu m3, tuy nhiên hiện nay lượng nước trong hồ chỉ đạt khoảng 17 triệu m3, mực nước thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 5,4 m. Bên cạnh đó, các hồ như hồ Sông Ún có mực nước thấp hơn 6,9 m so với cùng kỳ năm 2022; hồ Na Ươm thấp hơn 7,1 m; hồ Bản Ban thấp hơn 6,4 m; hồ Sái Lương thấp hơn 5,6 m; hồ Nậm Ngám thấp hơn 4,8 m;…

Theo Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên, tổng lượng nước trong 13 hồ chứa hiện nay chưa được 1/2 so với dung tích thiết kế, 30/66 triệu m3 nước. Nguyên nhân do tình trạng nắng nóng kéo dài, lượng mưa tại khu vực các hồ chứa chỉ đạt từ 40-50% so với cùng kỳ những năm trước dẫn đến mực nước tại các hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-10m.

Ông Lê Văn Thi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý Thủy nông Điện Biên cho biết, thời điểm hiện tại đang là mùa mưa tuy nhiên mực nước tại các hồ chứa do công ty quản lý rất thấp do lượng mưa ít. Công ty đã chỉ đạo cho ban quản lý các hồ chứa, công trình thủy lợi thực hiện các giải pháp tưới tiết kiệm, tưới luân phiên để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Hè - Thu, đồng thời tích nước để đảm bảo cho vụ Đông - Xuân sắp tới.

Theo đánh giá, hiện các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất vụ Hè – Thu. Tuy nhiên, do mực nước ở các hồ rất thấp, lượng mưa ít nên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quản lý Thủy nông Điện Biên phải tính phương án cho việc đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho vụ sau trong hoàn cảnh thời gian tới lượng mưa vẫn không đủ.

Ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên cùng với các địa phương cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông, thủy lợi trên địa bàn thường xuyên theo dõi diễn biến, cập nhật mực nước tại các khe, suối; xây dựng kế hoạch tưới tiết kiệm, luân phiên, tập trung nguồn nước đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.

Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Điện Biên cũng đã chủ động phối hợp với các nhà máy thủy điện có kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt đảm bảo hài hòa giữa hai mục tiêu cấp nước và phát điện. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng nước tưới tiêu tiết kiệm nhằm đảm bảo nguồn nước phát huy hiệu quả tối đa cho sản xuất nông nghiệp.

Xuân Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm