Điện Biên: Khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Mường Phăng

Điện Biên: Khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Mường Phăng
Theo ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Ban quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng: Ban quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý diện tích hơn 1.000ha (theo Quyết định số 611/QĐ-UBND ngày 24/7/2015 của UBND tỉnh Điện Biên). Trong khi đó, lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chỉ có 8 người nên công tác kiểm tra, kiểm soát không được thường xuyên; hoạt động tuần tra, kiểm tra theo lịch, theo kế hoạch nên không bám sát tình hình địa bàn. Ban quản lý đã xây dựng được hệ thống cộng đồng có chức năng bảo vệ rừng nhưng do là người dân trong bản nên để ngăn cản hay tố giác người vi phạm cũng gặp khó khăn vì liên quan đến thân tộc, gia đình, cùng bản.

Ban quản lý rừng di tích và cảnh quan môi trường Mường Phăng đã xác định nhiều điểm nóng xảy ra tình trạng người dân khai thác củi tươi, khai thác gỗ làm nhà, đặc biệt là các bản Đông Mệt, Vang, Co Cượm... Người dân các bản này dùng thuyền độc mộc, bè mảng để khai thác, vận chuyển củi, gỗ trên lòng hồ Pá Khoang. Từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã phát hiện 3 vụ người dân chặt cây, thu được 4 khối gỗ; 2 vụ phá rừng với diện tích hơn 8.300 m2 trạng thái rừng IIb.

Ông Phạm Văn Khiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên cho biết: Tổng diện tích rừng ngành được giao quản lý là hơn 4.400ha nhưng chỉ bố trí được 3 công chức, trong khi theo quy định đối với rừng đặc dụng từ 500ha trở lên xem xét, bố trí 1 công chức nên thiếu nhân sự trầm trọng. Thêm vào đó người dân sống xen kẽ trong rừng nên hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng rất khó khăn. Thời gian tới Chi cục sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng tăng cường tuyên truyền. phổ biến pháp luật và giúp người dân xây dựng các quy ước bảo vệ rừng, đồng thời có chính sách hỗ trợ về dịch vụ chi trả môi trường để người dân đảm bảo cuộc sống, không phá rừng trái pháp luật. Các cơ quan liên quan cần tích cực phối hợp để thường xuyên tuần tra, sớm phát hiện các vụ phá rừng; tăng cường vận động người dân trồng rừng trong đất đã quy hoạch rừng sản xuất để đáp ứng nhu cầu lâm sản, gỗ xây dựng...

Rừng đặc dụng Mường Phăng, ngoài diện tích thuộc Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ là rừng tự nhiên nguyên sinh, diện tích còn lại đặc trưng là rừng tái sinh sau khai thác. Sinh cảnh sau phục hồi tự nhiên ở rừng đặc dụng Mường Phăng rất tốt, đảm bảo giữ gìn các nguồn gen thực vật. Cùng với đó, rừng đặc dụng Mường Phăng còn đảm bảo giữ nguồn nước, ổn định cho hồ thủy lợi Pá Khoang, phục vụ công trình thủy điện hạ lưu và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của cả cánh đồng Mường Thanh.
 
Hải An - Phan Tuấn Anh 

Có thể bạn quan tâm