Điểm sáng Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng

Chăn nuôi bò sữa giúp nhiều hộ đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo. Ảnh: An Hiếu
Chăn nuôi bò sữa giúp nhiều hộ đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo. Ảnh: An Hiếu

Từ năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phê duyệt Dự án “Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, với tổng kinh phí trên 2.208 tỷ đồng. Đây là Dự án quy mô lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần gia tăng giá trị và phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa theo hướng hàng hóa, giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng, hiện số lượng đàn bò trên địa bàn tỉnh là hơn 54.000 con bao gồm cả đàn bò thịt và đàn bò sữa. Sản lượng thịt bò hơi là 2.475 tấn/năm; sữa bò tươi là 13.284 tấn/năm. Sóc Trăng có điều kiện thuận lợi là nguồn phụ phẩm dồi dào trong nông nghiệp, diện tích cánh đồng trồng cỏ làm thức ăn cho bò đạt hơn 2.800ha, toàn tỉnh có khoảng 13.500 lao động tham gia nuôi bò. Trong năm 2022, Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng đã phát hơn 1000 bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò, hỗ trợ 3.104 liều tinh bò sữa và 15.873 liều tinh bò thịt cho đàn bò nuôi tại các hộ gia đình, xây dựng các mô hình nuôi bò sữa tiên tiến và nuôi bò thịt theo hướng VietGAHP...

Điểm sáng Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng ảnh 1

Cánh đồng cỏ làm thức ăn cho bò tại xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Điểm sáng Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng ảnh 2

Chăn nuôi bò sữa giúp nhiều hộ đồng bào Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo. Ảnh: An Hiếu

Nhắc đến Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng, có thể liệt kê ra những địa phương đi đầu của phong trào, như huyện Trần Đề với tổng đàn bò lớn thứ hai của tỉnh, đạt khoảng trên 13.000 con (trong đó đàn bò thịt gần 10.500 con, đàn bò sữa là 2.500 con). Từ các chính sách hỗ trợ của ngành nông nghiệp, huyện Trần Đề đã chú trọng nâng chất lượng đàn bò, cải thiện sản lượng sữa và thịt.

Đặc biệt, từ Dự án Phát triển chăn nuôi bò, huyện đã lựa chọn các hộ nuôi có đủ khả năng đối ứng vốn để tham gia mô hình nuôi bò theo hướng VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học, giúp sản lượng và giá bán đều cao hơn khoảng 20% so với phương pháp nuôi truyền thống. Để tăng khả năng cạnh tranh của đàn bò sữa trên thị trường, huyện Trần Đề còn quan tâm đến công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trong tất cả các khâu, nhờ đó sản lượng sữa tăng gấp đôi so với thời gian trước.

Điểm sáng Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng ảnh 3

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) với tổng đàn bò lớn thứ hai của tỉnh, đạt khoảng trên 13.000 con. Ảnh: An Hiếu

Điểm sáng Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng ảnh 4

Cán bộ nông nghiệp thành phố Sóc Trăng tham quan mô hình nuôi bò sữa đem lại hiệu quả kinh tế cao của hộ gia đình Khmer trên địa bàn. Ảnh: An Hiếu

Dự án phát triển chăn nuôi bò đang được triển khai thực hiện có hiệu quả tại huyện Mỹ Xuyên. Năm 2022, tổng đàn bò thịt của huyện đạt trên 12.500 con, tổng đàn bò sữa 1.748 con trong đó tỷ lệ bò cao sản trên 35% và đang có xu hướng tăng dần. Cũng trong năm này, huyện đã hỗ trợ 109 con bò thịt và 04 con bò sữa cái hậu bị cho nông dân các xã với tổng số tiền là hơn 1 tỷ đồng.

Còn đối với huyện Mỹ Tú, tổng đàn bò thịt của huyện hiện có 3.219 con, sản lượng thịt hơi đạt 173 tấn/năm, bình quân mỗi hộ nuôi từ 4-5 con, tỷ lệ bò lai hướng thịt đạt 75%, diện tích trồng cây thức ăn cho bò đạt 60 ha; khoảng 60% hộ chăn nuôi bò thịt có hệ thống xử lý chất thải hoặc có phương án tận dụng chất thải nhằm mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tổng đàn bò sữa của huyện đạt 1.867 con, trong đó đang tiết sữa là 529 con (chiếm 28,30% tổng đàn), sản lượng sữa từ 5.000-5.200 kg/ngày.

Ban Quản lý Dự án Phát triển chăn nuôi bò tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng là tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển chăn nuôi bò với đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản từ cơ bản đến nâng cao qua nhiều năm, cộng với tinh thần gắn bó, quyết tâm phát triển mô hình chăn nuôi mang hiệu quả kinh tế cao này từ bà con nông dân. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ phát triển chăn nuôi bò thịt bình quân mỗi hộ nuôi từ 4-5 con, số lượng đàn bò thịt đạt 77.000 con và sản lượng thịt hơi đạt 5.000 tấn/năm. Đối với bò sữa, phấn đấu bình quân mỗi hộ nuôi từ 5-6 con, tăng số lượng đàn bò sữa đạt 11.000 con. Với lượng bò thịt và bò sữa nói trên sẽ giúp giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động nông thôn.

Điểm sáng Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng ảnh 5

Đàn bò sữa của gia đình ông Thạch Minh Dương ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho thu nhập khoảng 150 triệu/năm. Ảnh: An Hiếu

Điểm sáng Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng ảnh 6Vắt sữa bò bằng máy giúp tiết kiệm sức lao động, đảm bảo chất lượng nguồn sữa. Ảnh: An Hiếu
Điểm sáng Dự án chăn nuôi bò ở Sóc Trăng ảnh 7

Dự án “Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng” giúp bà con nông dân Khmer trên địa bàn từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi, nâng cao chất lượng nguồn sữa bò, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Ảnh: An Hiếu

Phát triển chăn nuôi bò là dự án quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng, góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho hộ dân nông thôn. Thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng đàn bò thịt, bò sữa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo nguồn tinh bò ngoại nhập, khuyến khích hộ chăn nuôi phát triển lên quy mô trang trại. Đồng thời nâng cao chất lượng chuyên môn của đội ngũ kỹ thuật viên gắn với quản lý nhà nước, tăng cường chuyển đổi số trong chăn nuôi, phát triển nguồn thức ăn thô xanh, phấn đấu đạt diện tích trồng cây thức ăn cho bò 3.000 ha, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, giảm chi phí sản xuất.

Cùng với đó là đẩy mạnh mối liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, tự động hóa tăng năng suất lao động, phấn đấu 90% hộ chăn nuôi bò thịt có hệ thống xử lý chất thải hoặc có phương án tận dụng chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nguyễn Thị Thu Hải

(Báo ảnh Dân tộc và Miến núi)

Có thể bạn quan tâm