Các lực lượng túc trực tại các trạm, chốt kiểm dịch 24/24. Ảnh: Thế Anh - TTXVN |
Tại Bình Thuận, ngày 10/6, Ủy ban nhân dân thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận quyết định công bố dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn. Như vậy, tính đến thời điểm này, Bình Thuận ghi nhận 3 ổ dịch. Để khống chế dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã La Gi yêu cầu các phòng, ban, các đơn vị liên quan khẩn trương, huy động mọi nguồn lực ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi xâm nhập vào địa bàn. Tại vùng dịch, Ủy ban thị xã Tân Phước thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch, lập các chốt kiểm dịch, hướng dẫn việc đi lại và thực hiện nghiêm cấm người không có nhiệm vụ vào nơi ổ dịch. Bên cạnh đó, các xã nằm trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát phải thực hiện nghiêm túc các biện pháp ngăn ngừa, không để bệnh lây nhiễm và sẵn sàng ứng phó nếu có dịch. Tại An Giang, sáng 10/6, UBND tỉnh An Giang tổ chức buổi họp trực tuyến với 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương báo cáo diễn biến tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh An Giang đã có 13 ổ bệnh tại 7 huyện, thị xã, thành phố gồm: thành phố Long Xuyên, huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn, và Chợ Mới. Đến nay, tỉnh đã tiêu hủy 396 con lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các địa phương trong tỉnh An Giang đang triển khai nhiều giải pháp không để dịch bùng phát ra diện rộng.
Lực lượng chức năng cân trọng lượng lợn trước khi đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các Trạm Kiểm dịch động vật ở các đầu mối giao thông, Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu bố trí kíp trực nghiêm túc, xuyên suốt 24/24 giờ, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng vận chuyển gia súc …Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn vào thời điểm này. Hoặc, có thể chuyển đổi tạm thời sang nuôi các loại gia cầm song phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ chuồng trại trước khi chăn. Tại Vĩnh Phúc, sau khoảng 2 tháng xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, tính đến nay dịch bệnh này đã xảy ra tại 1.461 hộ thuộc 333 thôn, 83 xã của 9/9 huyện, thành phố của tỉnh Vĩnh Phúc với tổng số lợn bị bệnh, chết và tiêu hủy hơn 17.000 con. Hầu hết người chăn nuôi lợn ở Vĩnh Phúc không tham gia bảo hiểm nông nghiệp, cũng như bảo hiểm chăn nuôi lợn và khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng nông dân gánh chịu rủi ro khá nặng. Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có số hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ rất lớn với 84,74% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi lợn. Trong khi đó, nhiều hộ vẫn chủ quan, lơ là, không áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Việc giết mổ lợn chủ yếu do các hộ giết mổ kinh doanh nhỏ lẻ, hộ chăn nuôi lợn tự giết mổ xen lẫn trong khu dân cư nên khó khăn trong việc kiểm soát và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh… Tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương…chủ động xác định địa điểm tiêu huỷ lợn bị bệnh dịch, kiên quyết không để tình trạng lợn bệnh, lợn chết mới tìm địa điểm tiêu hủy; thực hiện công bố dịch theo đúng quy định; huy động các lực lượng tại chỗ… khi cần thiết để chủ động giám sát phát hiện sớm và tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn chết. Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có 54 tỉnh, thành phố bị dịch tả lợn châu Phi.
Nhóm phóng viên thường trú